(Tổ Quốc) - Để vực lại ngành du lịch sau những tác động của đại dịch Covid-19, các địa phương cần đưa ra những chính sách, cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện những kế hoạch phục hồi.
Chia sẻ tại hội nghị "Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt", Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho hay, trong năm 2019, lượng khách du lịch Việt Nam, quốc tế đạt khoảng 18,5 triệu. Tổng doanh thu, du lịch nội địa chỉ chiếm 45%, còn lại là từ khách quốc tế. Người Việt Nam cũng có xu hướng đi du lịch nước ngoài và chi tiêu rất nhiều.
"Chúng ta còn hạn chế về sản phẩm chi tiêu tại địa phương. 80 triệu khách nội địa sẽ thúc đẩy bao nhiêu ngành sản xuất, bao nhiêu ngành kinh doanh khác? Chúng ta có thể chờ đợi du lịch bùng nổ, song vẫn phải nhìn vào hàng không, thương mại, ăn uống..." - Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho hay.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Để có những bước đi phục hồi, đưa ngành du lịch trở lại chắc chắn phải có một tổng thể một kế hoạch chung, của toàn bộ nền kinh tế. Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho rằng, muốn mở du lịch phải mở hàng không, các địa phương cần đưa ra những chính sách, cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện những kế hoạch phục hồi.
"Hiện có ba chính sách hỗ trợ tiền tệ, tài khóa và hỗ trợ người lao động, trong đó có ngành du lịch. Tuy nhiên, còn khá nhiều khó khăn trong việc triển khai áp dụng chính sách cho người lao động mất việc làm tạm thời. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc làm sao triển khai hiệu quả những chính sách tiền tệ, tài khóa (miễn giảm thuế, thuế đất...). Trước đó, chúng tôi báo cáo Thủ tướng các chính sách chỉ tương đối, Do đó, thời gian tới cần tập hợp các chính sách" - Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết.
Dẫu vậy, hệ quả của dịch bệnh khiến cho việc hồi phục du lịch nội địa từ nay đến cuối năm sẽ chỉ đạt một phần so với 2019. Thứ tưởng Lê Quang Tùng cho rằng, ngành du lịch sẽ tương lai còn khó khăn cho đến 2021 cho đến khi các ngành hoạt động lại bình thường.
"Vấn đề tiếp theo là làm thế nào để người dân có tiền đi du lịch. Chúng ta cần chung tay làm việc này, từ hệ thống chính quyền địa phương. Trong đó cần kích cầu tiêu dùng nội địa, làm sao hỗ trợ người dân, để họ có tiền đi du lịch, đó mới là cái quan trọng. Hiện chưa có đề xuất cho vay kích cầu, phát triển du lịch nội địa... Chúng ta làm du lịch phải có liên kết. Nếu chúng ta không chia sẻ với nhau sẽ sụp đổ rất nhanh chóng. Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp địa phương với các bộ ban ngành sẽ có sự liên kết để những chính sách được triển khai chặt chẽ hơn" - Thứ trưởng Lê Quang Tùng nói.
Về phần các địa phương như Quảng Ninh, Huế... sẽ cần thực hiện các kế hoạch phục hồi, đều triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Thứ trưởng Lê Quang Tùng nhấn mạnh các địa phương cần đánh giá cụ thể trước khi báo cáo Chính phủ.