• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thứ trưởng Lê Quang Tùng kiến nghị các quốc gia ASEAN chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tháo gỡ khó khăn, phục hồi ngành du lịch

Thời sự 29/04/2020 12:16

(Tổ Quốc) - Ngày 29/4, Bộ trưởng Du lịch các quốc gia là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch ASEAN.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng kiến nghị các quốc gia ASEAN chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tháo gỡ khó khăn, phục hồi ngành du lịch - Ảnh 1.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng dự Hội nghị trực tuyến.

Hội nghị do Ông Thong Khon, Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia chủ trì, với sự tham dự của các Bộ trưởng/Trưởng đoàn du lịch các nước thành viên ASEAN và Ông Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký ASEAN. Dự hội nghị về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng. 

Tại Hội nghị, Tổng Thư ký ASEAN đã phát biểu về các biện pháp và cơ chế ứng phó với đại dịch COVID-19 đang được thực hiện tại khu vực, đồng thời đề xuất các bước tiếp theo cho ngành du lịch. 

Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn Du lịch ASEAN cũng đưa ra các ý kiến thảo luận và chia sẻ thông tin về tác động của COVID-19 tới ngành du lịch của mỗi nước và các chính sách hỗ trợ đang được triển khai.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng kiến nghị các quốc gia ASEAN chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tháo gỡ khó khăn, phục hồi ngành du lịch - Ảnh 2.

Bộ trưởng Du lịch các nước ASEAN dự họp trực tuyến.

Phát biểu tại Hội nghị này, Thứ trưởng Lê Quang Tùng nhấn mạnh, với tinh thần "Gắn kết và chủ động thích ứng" trong ASEAN, Hội nghị là cơ hội tốt để chúng ta chia sẻ thông tin, tăng cường hợp tác, đề xuất giải pháp để cùng nhau vượt qua đại dịch, phục hồi ngành du lịch trong thời gian tới. 

Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch các nước ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Quý I năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 18,1%, khách du lịch nội địa giảm 48% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính có 1,7 triệu lượt khách quốc tế hủy tour đến Việt Nam. Công suất phòng trung bình của Quý I chỉ khoảng 20%, tháng 4 chỉ ở mức dưới 10%. Lao động ngành du lịch được cho nghỉ không lương hoặc giảm đến 80% lương. Doanh thu của các công ty lữ hành liên tục giảm sâu, gần như về con số 0 trong tháng 4.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng kiến nghị các quốc gia thành viên ASEAN phối hợp, triển khai một số biện pháp, hành động cụ thể như: Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tháo gỡ khó khăn, phục hồi ngành du lịch; Tăng cường phối hợp nội khối trong các hoạt động truyền thông điểm đến chung ASEAN an toàn, hấp dẫn và thúc đẩy du lịch nội khối sau khi dịch bệnh được khống chế; Đẩy mạnh du lịch thông minh, du lịch số, chuyển đổi số trong du lịch; và Tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế để tiếp cận các khuyến nghị, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng kiến nghị các quốc gia ASEAN chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tháo gỡ khó khăn, phục hồi ngành du lịch - Ảnh 3.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng phát biểu tại Hội nghị.

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn Du lịch ASEAN nhất trí thông qua Tuyên bố chung các Bộ trưởng Du lịch ASEAN về thúc đẩy hợp tác để phục hồi du lịch ASEAN.

Cụ thể, nội dung của Tuyên bố chung này là: Đẩy mạnh sự phối hợp của ASEAN trong việc trao đổi thông tin liên quan đến du lịch về sức khoẻ và các biện pháp cần thiết khác được thực hiện bởi các quốc gia thành viên ASEAN nhằm kiểm soát sự lây lan của COVID-19, thông qua việc tăng cường hoạt động của Nhóm Truyền thông Khủng hoảng Du lịch ASEAN (ATCCT), với mục tiêu cung cấp các thông tin kịp thời và đáng tin cậy cho khách du lịch và các doanh nghiệp lữ hành inbound và outbound trong khu vực.

Tăng cường sự hợp tác của các Cơ quan Du lịch Quốc gia (NTOs) ASEAN với các ngành khác có liên quan của ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, thông tin, vận tải và xuất nhập cảnh, cũng như với các đối tác bên ngoài của ASEAN, các tổ chức và cộng đồng quốc tế liên quan, để cùng nhau thực hiện các biện pháp được xây dựng trên nền tảng của mỗi bên nhằm thúc đẩy sự ứng phó toàn diện, minh bạch và kịp thời giảm thiểu tác động của COVID-19 và các khủng hoảng trong tương lai.

Cùng với đó là đẩy mạnh sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc chia sẻ thông tin và trao đổi các thực tiễn tốt nhất của các nước thành viên ASEAN cũng như các Đối tác đối thoại ASEAN về ứng phó trước khủng hoảng, sự sẵn sàng của truyền thông, hợp tác kết nối, các nỗ lực cứu trợ quốc gia và biện pháp hỗ trợ ngành du lịch, đồng thời rút ra những bài học quan trọng đưa vào báo cáo đánh giá sau khủng hoảng cho các nước thành viên ASEAN tham khảo để quản lý tốt hơn với những đại dịch hoặc khủng hoảng trong tương lai.

Thực hiện các chính sách và biện pháp minh bạch để củng cố niềm tin của khách du lịch trong nước và quốc tế đến Đông Nam Á, bao gồm xây dựng các tiêu chuẩn và hướng dẫn rõ ràng cho một môi trường làm việc an toàn và khoẻ mạnh hơn nhằm bảo vệ các nhân viên và cộng đồng trong ngành khách sạn và du lịch, các điểm đến và cơ sở du lịch tại các nước thành viên ASEAN.

Đồng thời, ủng hộ việc xây dựng và triển khai Kế hoạch phục hồi sau khủng hoảng COVID-19 trong lúc vẫn duy trì các nỗ lực bảo vệ sức khỏe, bao gồm nâng cao năng lực du lịch ASEAN, hợp tác với các bên liên quan trong ngành để củng cố niềm tin của doanh nghiệp và khách hàng, tìm hiểu các biện pháp sáng tạo và đột phá để kích thích ngành du lịch, đặc biệt thông qua ứng dụng công nghệ số, đảm bảo xây dựng mức độ nhận biết cao nhất về khu vực thông qua các nỗ lực quảng bá và chương trình xúc tiến du lịch chung với mục tiêu phát triển ASEAN trở thành một điểm đến chung.

Thúc đẩy các chính sách kinh tế vi mô và vĩ mô bằng cách cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và kích thích tài chính, giảm thuế, nâng cao năng lực, đặc biệt là các kỹ năng về công nghệ số cho các bên liên quan trong ngành lữ hành và du lịch, đặc biệt chú trọng vào các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), các nhóm dễ bị tổn thương và các cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Cuối cùng là duy trì hợp tác với các Đối tác đối thoại ASEAN, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan trong ngành để xây dựng một Đông Nam Á vững mạnh và sẵn sàng để triển khai và quản lý du lịch bền vững và toàn diện một cách hiệu quả sau khủng hoảng./.  

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ