(Tổ Quốc) - Sau bài phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương tại Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số ngành VHTTDL được tổ chức vào sáng (26/10), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng - Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cũng đã có những chia sẻ, đánh giá về lĩnh vực chuyển đổi số trong ngành VHTTDL.
Quyết tâm không chỉ bằng văn bản mà còn cả những hành động cụ thể
Khẳng định Bộ VHTTDL đã thể hiện quyết tâm không chỉ bằng văn bản mà còn bằng hành động cụ thể trong chuyển đổi số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, Ngành VHTTDL sở hữu lợi thế vô cùng đặc biệt so với các ngành khác ở Việt Nam về quy mô thị trường.
Ngành VHTTDL không chỉ phục vụ cho gần 100 triệu người dân Việt Nam mà còn có cơ hội phục vụ cho 8 tỷ khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới. Bộ Thông tin và Truyền thông quan niệm rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực VHTTDL là hết sức cần thiết.
Để Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội đó, đặc biệt thông qua quan hệ số, chuyển đổi số để cung cấp dịch vụ, trải nghiệm văn hóa, du lịch ngày một tốt hơn, cá thể hóa cho từng du khách trong nước và nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các chiến lược của chính phủ về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số cũng đã được ban hành.
"Chúng tôi nhấn mạnh một lát cắt hết sức quan trọng, nhất quán cho tất cả các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số do Chính phủ ban hành đó là: Việt Nam xác định nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, trong các lĩnh vực" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chương trình thúc đẩy và sử dụng chuyển đổi số quốc gia, đồng thời xác định năm 2022 là năm đưa hoạt động của người dân doanh nghiệp lên trên môi trường số, nền tảng số của Việt Nam. Vì vậy, chuyển đổi số Ngành VHTTDL cần tập trung vào việc triển khai các nền tảng số dùng chung trong phạm vi toàn ngành, toàn quốc.
Nền tảng số giúp các doanh nghiệp du lịch tối ưu hóa đầu tư
Nhấn mạnh 3 nền tảng số quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong các chương trình, chiến lược quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, thứ nhất đó là nền tảng số về nền tảng du lịch số, quản trị và kinh doanh du lịch.
Theo đó, nền tảng số cung cấp một hình thức kinh doanh du lịch mới cho hàng triệu doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú và cơ sở du lịch trên cả nước. Nếu trước đây ứng dụng công nghệ thông tin là mỗi cơ quan, tổ chức triển khai hệ thống thông tin riêng lẻ, độc lập thì nay chúng ta có thể sử dụng nền tảng chung.
Nếu như trước đây mỗi một hệ thống thông tin giải quyết một nghiệp vụ du lịch cụ thể thì nay nền tảng số sẽ cung cấp đầy đủ quản trị cơ bản, kết nối với các bên liên quan của hệ sinh thái, sản phẩm dịch vụ và mang đến cho du khách một trải nghiệm du lịch số một cách hoàn chỉnh từ đầu đến cuối và thông suốt. Nền tảng số thay đổi mô hình đầu tư, quản trị, vận hành các hạ tầng ứng dụng cộng nghệ và yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin.
"Như chúng tôi đã nói, nền tảng số cung cấp dịch vụ giống như điện, nước, dùng bao nhiêu trả bấy nhiều, giúp tối ưu hóa đầu tư đặc biệt các cơ sở lữ hành, du lịch nhỏ và vừa. Với việc sử dụng nền tảng số, các cơ sở du lịch có thể phát triển mô hình kinh doanh mới sáng tạo thay vì dành nguồn lực cho công nghệ" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trải nghiệm văn hóa Việt Nam "không khoảng cách, không giới hạn"
Nền tảng thứ hai mà Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh đó là dữ liệu số du lịch. Chuyển đổi số là thay đổi cách làm dựa trên công nghệ số, dữ liệu số, trước đây chúng ta làm như thế nào thì bây giờ chúng ta làm khác đi nhờ vào dữ liệu và công nghệ số. Vì vậy, dữ liệu là yếu tố đầu vào quan trọng trong việc đổi mới mô hình hoạt động, cung cấp dịch vụ từ đó hình thành hệ du lịch sinh thái công nghệ thông minh.
Nền tảng dữ liệu số trong ngành du lịch được kì vọng là cung cấp những thông tin dữ liệu tài nguyên du lịch đã được số hóa, dữ liệu số về các khu du lịch, điểm du lịch và thị trường Việt Nam. Cơ quan nhà nước đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng dữ liệu mở, và mở dữ liệu du lịch để các doanh nghiệp du lịch có thể tối ưu hóa, cải thiện chất lượng dịch vụ và cung cấp gói ưu đãi cho khách du lịch.
Trong thời đại kỷ nguyên số, chúng ta cũng cần đặc biệt lưu ý vai trò của du khách trong việc bổ sung cập nhập thông tin dữ liệu thông qua tương tác tự nhiên với các ứng dụng du lịch số, phát huy sức mạnh của cộng đồng. Có như vậy, dữ liệu của chúng ta mới đáp ứng được các tiêu chí về "Đúng- Đủ - Sạch – Sống", dữ liệu mới có giá trị để phân tích dự báo hoạch định chính sách.
Thứ ba là nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số. Chuyển đổi số là đưa các hoạt động môi trường thực lên môi trường số, chuyển đổi số ngành VHTTDL là thúc đẩy số hóa, các di sản văn hóa hướng tới mục tiêu mỗi di sản của Việt Nam đều có sự hiện diện số, hình thành bản đồ di sản số để người dân du lịch có thể thuận lợi truy cập trên môi trường số.
Công nghệ thực tế ảo cho phép cung cấp dịch vụ trực tuyến từ xa, người dân trên toàn thế giới có điều kiện trải nghiệm văn hóa Việt Nam, không khoảng cách, không có giới hạn về mặt ngôn ngữ. Đây cũng là sứ mệnh của ngành về bảo tồn di sản, đưa các giá trị văn hóa của Việt Nam ra toàn thế giới.
"Tôi rất phấn khởi khi Bộ VHTTDL đã rất tích cực trong việc triển khai thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu trong giai đoạn thực hiện. Kết quả để đánh giá chúng ta phải dựa vào có bao nhiêu người truy cập, tham gia và hiệu quả giá trị mang lại cho cộng đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, luôn cam kết đồng hành cùng Bộ VHTTDL trên con đường chuyển đổi số này" - Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng khẳng định./.