(Tổ Quốc) - Chiều ngày 22/9/2022, tại TP.HCM, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo triển khai Luật Điện ảnh, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP khu vực phía Nam.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã chủ trì Hội nghị - Hội thảo này. Cùng tham gia lấy ý kiến có Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) Vi Kiến Thành và Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Lê Thanh Liêm. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nêu bật tầm quan trọng và ý nghĩa của việc triển khai Luật Điện ảnh cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về một số quy định chi tiết của luật này và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
"Thông qua Hội nghị - Hội thảo lần này tại TP.HCM (và lần tiếp theo tại Hà Nội), từ những đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, Bộ VHTTDL sẽ tiếp thu, tổng hợp và cân nhắc điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đúng quy định hiện hành của nhà nước.", Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Hội nghị - Hội thảo cũng đã nghe báo cáo báo cáo tóm tắt một số nội dung mới, căn bản của Luật Điện ảnh số 06/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2022 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 của Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành.
Chính sách của nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; những nội dung và hành vi bị cấm trong phim điện ảnh; khung giờ hoạt động của rạp phim; đóng góp xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh;... là những nội dung then chốt được ông Vi Kiến Thành đặc biệt lưu tâm.Tại Hội nghị - Hội thảo, ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) cũng đã chỉ ra 2 nội dung quan trọng nhất của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo: "Quy định xử phạt các hành vi vi phạm như thế nào là hợp lý? Khung giờ chiếu phim cần quy định ra sao?"
Ông Lê Thanh Liêm viện dẫn: "Đơn cử như xử lí như thế nào đối với đạo đức người làm nghề? Khung giờ hoạt động của rạp phim sau 24h thế nào là hợp lý (không trái với quy định hiện hành). Ngoài xử phạt hành chính thì có hình phạt bổ sung nào không? Đồng thời là biện pháp khắc phục hậu quả ra sao?..."
Theo PGS. TS. Đỗ Lệnh Hồng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh chưa xác định được đơn vị quản lý Quỹ này. Luật Điện ảnh và Nghị định chi tiết của luật này cũng chưa quy định rõ.
Chia sẻ quan điểm, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, Đạo diễn Dương Cẩm Thúy cũng ủng hộ việc ra đời Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh để tạo điều kiện khuyến khích, phát triển và ươm mầm tài năng trẻ. Tuy nhiên, Quỹ này cần phải được sơ kết, tổng kết định kỳ để người hoạt động lĩnh vực này được biết, nắm rõ,...
Về cơ chế quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh được rất nhiều đại biểu quan tâm, tham gia phát biểu đóng góp, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh đây là quỹ nhà nước nhưng ngoài ngân sách. Quỹ này sẽ có người đại diện của Bộ VHTTDL được cử làm Chủ tịch Quỹ, cũng như sẽ có quy trình thẩm định, phê duyệt, quyết toán. "Những quan ngại về việc 'tiền đi đâu, làm thế nào, ai điều hành, ai quyết toán' sẽ được công khai minh bạch, được các cơ quan chức năng của nhà nước thanh kiểm tra.", Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ.
Ngoài ra, hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo cũng ủng hộ tinh thần của dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về khung giờ hoạt động của các rạp phim, khung giờ chiếu phim dành cho trẻ em, tỉ suất chiếu phim Việt Nam trên các rạp, việc tham gia vào các dự án phim nhà nước đặt hàng,...
Hơn 5 tiếng đồng hồ, Hội thảo đã lắng nghe rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp xây dựng của đại diện các doanh nghiệp cũng như cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. "Các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Bộ VHTTDL nghiêm túc tiếp thu để sửa đổi và bổ sung sao cho phù hợp với quy định hiện hành và yêu cầu thực tiễn", Thứ trưởng Tạ Quang Đông kết luận.