• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Văn hóa là trụ cột để phát triển du lịch bền vững

Du lịch 15/04/2023 09:44

(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng văn hóa là một tiềm năng mạnh, là trụ cột để phát triển du lịch bền vững.

Ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức "Diễn đàn phát triển du lịch văn hóa Việt Nam", đây là sự kiện quan trọng hàng đầu trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông dự diễn đàn.

Cùng tham dự còn có lãnh đạo Tổng cục Du lịch, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại diện các cơ quan quản lý du lịch Trung ương và địa phương; đại diện các chi hội, liên chi hội du lịch, hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố và đông đảo các doanh nghiệp du lịch...

Văn hóa là trụ cột để phát triển du lịch bền vững

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng văn hóa là một tiềm năng mạnh, trụ cột để phát triển du lịch bền vững. Việt Nam cần phải phát triển du lịch một cách hiệu quả dựa trên những gì đang có và chúng ta còn rất nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa. Từ trước đến nay, du lịch mới khai thác văn hóa trên khía cạnh các di sản vật thể, các điểm di tích. Khách du lịch còn thiếu các sản phẩm nghe, nhìn hấp dẫn, các sản phẩm du lịch chưa cung cấp phong phú kiến thức văn hóa truyền thống, con người Việt Nam.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Văn hóa là trụ cột để phát triển du lịch bền vững - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhận định hiện đang thiếu vắng các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn hấp dẫn phục vụ du khách. Thiếu những tác phẩm nghệ thuật tuyên truyền về văn hóa Việt Nam với những nét đẹp, nét đặc thù. Khách quốc tế đến Việt Nam chưa được cung cấp những đặc trưng về truyền thống, văn hóa, con người Việt Nam. Nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa Việt Nam khách trong nước vẫn còn chưa được biết rõ. Một số chương trình thực cảnh vẫn dùng các phương pháp cũ, với các mô hình không thể chuyển đổi được về nội dung vì không thể thay thế được thiết kế sân khấu. Do vậy nhu cầu xây dựng những chương trình nghệ thuật quảng bá cho văn hóa, lịch sử, truyền thống và bản sắc dân tộc tại các điểm du lịch là việc vô cùng thiết thực, ý nghĩa, đóng vai trò kích hoạt và hỗ trợ sự phát triển ngành du lịch trong thời đại hội nhập quốc tế, thu hút khách trong và ngoài nước.

Đáp ứng nhu cầu đó, Bộ VHTTDL đang phối hợp xây dựng chương trình thực cảnh "Việt Nam Huyền sử diễn ca". Đây là chương trình nghệ thuật kết hợp công nghệ biểu diễn và công nghệ âm thanh ánh sáng hiện đại. Chương trình có thể đưa vào đầu tư khai thác thành sản phẩm du lịch văn hóa chất lượng cao. Bên cạnh đó là chương trình Liên kết thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh sẽ diễn ra tại Khánh Hòa vào cuối tháng 5/2023 với rất nhiều hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp, nhà hoạt động điện ảnh, điểm đến. Đây là hoạt động nằm trong 12 chương trình trọng điểm của Bộ VHTTDL.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cho biết nhiều quốc gia trong khu vực trên thế giới đã coi văn hóa và khai thác các yếu tố văn hóa để khai thác phát triển du lịch. Điển hình thành công có thể kể đến một số quốc gia trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia,… Hàn Quốc đã giới thiệu các giá trị văn hóa như bảo tàng, triển lãm nghệ thuật kết hợp chuyển đổi số để mang lại trải nghiệm mới về văn hóa và các tác phẩm nghệ thuật.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trong khu vực, một vấn đề đặt ra là khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch có thể coi là hướng đi mới giúp cho ngành du lịch Việt Nam sớm phục hồi.

Du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, ngành du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng như Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Du lịch văn hóa đồng thời cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Văn hóa là trụ cột để phát triển du lịch bền vững - Ảnh 2.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TITC

Vừa qua, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 2767/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Theo đó, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực.

Với những chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, chính sách về phát triển du lịch văn hóa, sản phẩm du lịch văn hóa đã có điều kiện được quan tâm, đầu tư và có nhiều kết quả khả quan. Bên cạnh đó, nhiều giá trị nghệ thuật cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, vai trò của tài nguyên văn hóa trong việc thu hút khách du lịch, tạo ra sự khác biệt giữa các điểm đến ngày càng rõ ràng hơn, tài nguyên văn hóa được xem là nguồn lực chính để phát triển kinh tế ở nhiều vùng, nhiều địa phương. Hai lĩnh vực văn hóa – du lịch liên kết ngày càng rõ ràng hơn và sâu sắc hơn bởi vì xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi thúc đẩy bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là bản sắc, sự khác biệt của văn hóa mỗi quốc gia.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Văn hóa là trụ cột để phát triển du lịch bền vững - Ảnh 3.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TITC

Vai trò của du lịch văn hóa ngày càng được coi trọng hơn vì du lịch văn hóa đã tăng thêm việc làm ở vùng có tài nguyên văn hóa, góp phần vào tăng thu nhập cho người dân. Đưa yếu tố văn hóa vào các sản phẩm du lịch sẽ làm tăng sự hấp dẫn, nâng cao giá trị của sản phẩm du lịch.

Theo ông Vũ Thế Bình, vấn đề đặt ra trong phát triển du lịch văn hóa là trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó vai trò của nhà nước là quan trọng. Đẩy mạnh hợp tác công tư trong đó nhà nước đầu tư nội dung cơ bản, khối tư nhân đầu tư dịch vụ du lịch, các sản phẩm kết nối. Bên cạnh đó là xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, đưa khái niệm văn hóa sâu hơn vào các sản phẩm du lịch.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã giới thiệu nhiều mô hình, sản phẩm văn hóa cụ thể sử dụng văn hóa làm yếu tố thu hút du khách.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ