Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ: Cần có nhận thức và đối xử công bằng đối với các loại hình dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường
(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh, cần có nhận thức và đối xử công bằng đối với các loại hình dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh diễn ra chặt chẽ, an toàn, đúng các quy định pháp luật.
Sáng 15/6 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Văn hóa cơ sở. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị.
Nhiều cơ sở karaoke đứng trước nguy cơ phá sản
Trình bày báo cáo đánh giá công tác triển khai thực hiện Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL Vi Thanh Hoài cho biết, ngay sau khi Nghị định số 54/2019/NĐ-CP được ban hành, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tập huấn hướng dẫn nội dung thực hiện Nghị định cho gần 600 cán bộ Lãnh đạo, chuyên viên phòng chuyên môn phụ trách karaoke, vũ trường của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm trang bị, nâng cao những kiến thức, kỹ năng, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ tại cơ sở.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện và tổ chức hướng dẫn hoạt động thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Theo bà Vi Thanh Hoài, Nghị định số 54/2019/NĐ-CP được ban hành và đi vào triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế hiện nay. Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ các điều kiện về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Thực hiện, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh như: cải cách thủ tục hành chính trong cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; đảm bảo việc thẩm định cấp phép đăng ký kinh doanh, đăng ký ngành nghề đúng tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục tránh gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ này.
"Có thể khẳng định rằng, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 54/2019/NĐ-CP, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đã dần đi vào nề nếp, nâng cao được hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước. Hầu hết các địa phương đều cho rằng, Nghị định đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan được phân công cụ thể, rõ ràng là cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện. Các văn bản pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đã được các địa phương tuyên truyền triển khai, hướng dẫn kịp thời", Bà Vi Thanh Hoài khẳng định.
Tuy nhiên, theo bà Vi Thanh Hoài, nhiều cơ sở đã xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ gây nguy hiểm thiệt hại tính mạng người và tài sản để lại hậu quả rất đáng tiếc. Vi phạm chủ yếu phần lớn do lắp đặt biển quảng cáo không đúng quy định các cơ sở kinh doanh karaoke là nhà liền kề, đều chuyển đổi công năng từ nhà ở sang cơ sở kinh doanh, không có lối thoát hiểm cầu thang, hành lang; sử dụng vật liệu dễ cháy như mút, xốp làm cách âm, sử dụng đèn Led lâu dài dễ gây chập cháy, lắp biển quảng cáo không đúng quy định che kín mặt tiền theo quy định của Thông tư số 147/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an quy định về biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Một số quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hiện hành khó thực hiện đối với các công trình hiện hữu (đặc biệt là các công trình có thay đổi, cải tạo) liên quan đến bậc chịu lửa, khoảng cách an toàn PCCC, lối thoát nạn (buồng thang kín), giải pháp ngăn cháy...
Sau gần 2 năm đóng cửa vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, được hoạt động trở lại, hiện nay hàng loạt cơ sở karaoke lại tiếp tục phải đóng cửa do không đảm bảo quy định về an toàn PCCC. Nhiều cơ sở karaoke đứng trước nguy cơ phá sản...
Càng khó càng không thể buông lơi
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL Ninh Thị Thu Hương cho rằng, khi xảy ra những vụ việc, nguyên nhân chủ yếu về an toàn phòng chống cháy nổ, thuộc trách nhiệm của Bộ Công an. Vậy phải đặt vấn đề, ngành văn hóa các cấp cần quan tâm tập trung các biện pháp nhằm sửa đổi, hoàn thiện hàng lang pháp lý, siết chặt quản lý lĩnh vực kinh doanh này như thế nào.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, đây là một lĩnh vực nóng, nhạy cảm và rất khó trong công tác quản lý. Tuy nhiên, càng khó càng không thể buông lơi, càng đòi hỏi các nhà quản lý phải quyết liệt, siết chặt bằng những quy định chặt chẽ.
Nêu ý kiến, Trung tá Lê Minh Hải (Trưởng Phòng Công tác Phòng cháy, Cục Cảnh sát PCCC &CHCN) cho biết, với nhu cầu lớn, các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường đã gia tăng đáng kể về số lượng, quy mô, theo thống kê toàn quốc có 15.161 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường; 8.876 cơ sở do UBND cấp xã quản lý. Đa số cơ sở này được xen cài trong khu dân cư; nhà xây nhiều tầng, diện tích mặt bằng nhỏ và ngăn chia thành nhiều phòng hát; sử dụng nhiều vật dụng, chất cháy; thường xuyên tập trung đông người đã sử dụng rượu, bia, hạn chế khả năng tự thoát nạn.
Đây là những yếu tố tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ cháy cao, gây mất an toàn tính mạng và khó khăn trong công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Từ năm 2020 đến nay đã xảy ra hơn 45 vụ cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường và đặc biệt là 6 tháng cuối năm 2022 xảy ra 3 vụ, làm chết 32 người, bị thương 17 người và 3 cán bộ chiến sĩ đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, gây thiệt hại lớn về tài sản, hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Trung tá Lê Minh Hải cho rằng, để tăng cường công tác quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, trong đó có kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, các Bộ, ngành có liên quan cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành phù hợp tình hình mới. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động quần chúng nhân dân tham gia giám sát, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, trong đó có kinh doanh karaoke, vũ trường…
"Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, hướng dẫn, đưa công tác quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự ngày càng đi vào nề nếp…", Trung tá Lê Minh Hải nhấn mạnh.
Theo Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Hà Văn Lâu, bên cạnh những chuyển biến tích cực, trên thực tế một số cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn chưa nhận thức đầy đủ quy định pháp luật về phòng chống cháy nổ, dẫn đến những rủi ro, tổn thất lớn về tính mạng, tài sản.
Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL kiến nghị, đối với Bộ Công an, Bộ Xây dựng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường cho phù hợp thực tiễn. Các Sở VHTTDL, Sở VHTT cần tiếp tục nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Thường xuyên tập huấn, phổ biến pháp luật đối với công chức làm công tác quản lý; tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.
Cần có nhận thức và đối xử công bằng đối với các loại hình dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, quản lý kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là những lĩnh vực nóng, đòi hỏi công tác quản lý phải sát sao, chặt chẽ, đặc biệt phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành và tăng cường trách nhiệm của các địa phương. Sau khi Nghị định 54 ra đời, công tác quản lý Nhà nước tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp, nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, đáp ứng cầu chính đáng của người dân ở cơ sở
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ, bên cạnh những chuyển biến tích cực còn có những bất cập nảy sinh, đòi hỏi công tác quản lý phải được tăng cường, siết chặt. Yếu tố quan trọng là phải nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, doanh nghiệp và người dân về những quy định pháp luật nói chung, phạm vi trách nhiệm quản lý Nhà nước của từng ngành, trong đó có ngành VHTTDL.
"Cần có nhận thức và đối xử công bằng đối với các loại hình dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh diễn ra chặt chẽ, an toàn, đúng các quy định pháp luật", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng lưu ý, cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan. Trước những bất cập hiện nay, Bộ VHTTDL sẽ giao Cục Văn hóa cơ sở chủ trì, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, các lớp tập huấn tại các địa phương trong thời gian tới.