(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho rằng, Du lịch Việt Nam rất cần có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá, qua đó khẳng định vai trò, vị thế của ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian sắp tới.
Chiều 14/9, tại trụ sở Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL), Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì phiên họp Báo cáo Kế hoạch phục hồi toàn diện du lịch Việt Nam 2022 – 2026.
Tham dự phiên họp có bà Kristina Bunde, Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cùng các chuyên gia quốc tế tham gia nghiên cứu Báo cáo Kế hoạch tổng thể phục hồi Du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), ngành du lịch thế giới bị thiệt hại rất nặng nề, ước tính khoảng 2.000 tỷ USD.
Giống như các quốc gia khác, tại Việt Nam, các chỉ số như lượng khách, công suất sử dụng phòng của ngành du lịch sụt giảm nghiêm trọng đã tác động hết sức tiêu cực đến các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hàng không, vận chuyển và người lao động trong ngành; đóng góp của du lịch với phát triển kinh tế-xã hội tại các quốc gia trên thế giới cũng đều bị ảnh hưởng đáng kể.
Để sớm phục hồi, phát triển trở lại ngành Du lịch, ngày 11/10/2021, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19" (Nghị quyết 128), nhờ đó, hoạt động du lịch nội địa bắt đầu được một số địa phương xúc tiến trở lại cùng với việc phát động Chương trình "Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn" do Bộ VHTTDL phát động. Đối với thị trường quốc tế từ ngày 20/11/2021, Việt Nam thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế và mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách quan trọng khác hỗ trợ phục hồi ngành du lịch như cho vay với lãi suất thấp, giảm thuế VAT với dịch vụ du lịch, giảm tiền kí quỹ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trợ cấp tiền cho lao động, giảm thuế và phí để giảm giá xăng, dầu trong nước, hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo lại lao động sau đại dịch…
Ngành Du lịch Việt Nam đang triển khai chiến dịch quảng bá "Sống trọn vẹn ở Việt Nam" nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài, chú trọng tăng cường thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong du lịch, xác định chuyển đổi số là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế số và phát triển du lịch thông minh, du lịch "không chạm", "liền mạch" tại Việt Nam.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, bước vào giai đoạn bình thường mới, sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được khống chế, ngành Du lịch Việt Nam đã chủ động tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động quan trọng như: Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 - Quảng Nam dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính diễn ra cuối tháng 3/2022; sau đó là các hoạt động liên kết phát triển du lịch của TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, liên kết hợp tác giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ, liên kết hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên tại Kon Tum, Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội 2022.
Gần đây nhất, Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE) 2022 - sự kiện xúc tiến du lịch quốc tế đầu tiên với quy mô lớn được tổ chức kể từ sau khi du lịch Việt Nam mở lại đã được tổ chức thành công tại TP. Hồ Chí Minh từ 8 - 10/9/2022 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo cơ quan du lịch quốc gia, lãnh đạo cơ quan xúc tiến du lịch, đại diện các tổ chức du lịch quốc tế, các chuyên gia, cơ quan báo chí và doanh nghiệp du lịch với 260 gian hàng, 160 người mua từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
"Những điều trên cho thấy bức tranh du lịch Việt Nam dần đã có nhiều điểm sáng, mang tín hiệu khởi sắc. Tám tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu lượt khách đến từ các thị trường chính gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Anh, Đức, Pháp.
Tổng số khách du lịch nội địa 8 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 79,8 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 356.600 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50% - 75%. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới WTA, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9/2022 vừa qua, Việt Nam đã được trao 46 giải thưởng khác nhau, thể hiện sự hấp dẫn, uy tín của ngành Du lịch nói chung và các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam nói riêng trên phạm vi thế giới.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ, trong bối cảnh và xu hướng phục hồi du lịch khu vực và trên thế giới, với mục tiêu tiếp tục khôi phục đà tăng trưởng của ngành Du lịch Việt Nam như trước đại dịch, ngành Du lịch Việt Nam rất cần có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá, qua đó khẳng định vai trò, vị thế của ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian sắp tới.
"Bộ VHTTDL đánh giá cao, trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và đặc biệt là Nhóm chuyên gia quốc tế đã dày công nghiên cứu, gửi đến chúng tôi Báo cáo Kế hoạch tổng thể phục hồi Du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026. Trong đó có những đề xuất chính sách cụ thể trên nhiều lĩnh vực để tiếp tục duy trì đà phục hồi, phát triển ngành du lịch, cụ thể như chính sách về thị thực, truyền thông, tài chính, quảng bá xúc tiến du lịch, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác công-tư, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ VHTTDL sẽ giao Tổng cục Du lịch phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp nhận Báo cáo, nghiên cứu, sớm cụ thể hóa các đề xuất tại Báo cáo thành các kiến nghị chính sách cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm triển khai thực hiện.
Tại phiên họp, ông Jan-Bjarni Bjarnason, Trưởng nhóm chuyên gia, chuyên gia về quản lý điểm đến đã trình bày mục tiêu và nội dung của Dự án Kế hoạch tổng thể phục hồi du lịch do EU tài trợ và các lĩnh vực ưu tiên chiến lược.
Các chuyên gia cũng đã trình bày các vấn đề về tăng cường thực hiện du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam – phát triển sản phẩm; vấn đề phát triển nguồn nhân lực du lịch; quản lý điểm đến bền vững; tiếp thị quảng bá du lịch và chuyển đổi số trong du lịch.
Cũng tại phiên họp, đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã bàn giao chính thức tài liệu Kế hoạch tổng thể phục hồi du lịch Việt Nam cho Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch và Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB).