• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Hệ thống pháp luật về văn hoá từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Thực hiện: Xuân Trường | 06/09/2023

(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định, hệ thống pháp luật về văn hoá đã từng bước thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển văn hoá và mục tiêu xây dựng con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Chiều 6/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đồng chủ trì. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Hệ thống pháp luật về văn hoá từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước - Ảnh 1.

Hội nghị toàn lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV.


Hệ thống pháp luật về văn hóa từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Tại Hội nghị, phát biểu tham luận về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023, năm 2024 thuộc lĩnh vực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy bày tỏ thống nhất cao với các tham luận, nội dung báo cáo đã trình bày.

Về nghiên cứu bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hoá, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ, với quan điểm con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam.

Hệ thống pháp luật về văn hóa đã từng bước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa và mục tiêu xây dựng con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Hệ thống pháp luật về văn hoá từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu


Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, kết luận của các Hội nghị toàn quốc về văn hóa, Bộ VHTTDL đã chủ động triển khai, rà soát đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật, nhận diện những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, xây dựng Đề án tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình giai đoạn 2021 – 2026.

Tiếp tục triển khai kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023 - 2025). Trong đó xác định hoàn thiện thế chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành.

Đồng thời với việc tham gia tổng kết các chủ trương, chính sách của Đảng về văn hóa, thể thao và du lịch để kịp thời thể chế hóa trong giai đoạn tới, Bộ VHTTDL tiếp tục sơ kết, tổng kết, rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất lộ trình phù hợp để xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật.

Trọng tâm đối với những vấn đề đang được điều chỉnh bởi văn bản dưới luật, những vấn đề thuộc quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, những vấn đề bất cập với thực tiễn và những vấn đề khác chưa được thể chế hóa (như lĩnh vực: nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; văn hóa quần chúng; tài trợ, hiến tặng, tự do sáng tạo văn học, nghệ thuật…).

Bộ đã và đang rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách về thuế, đất đai, cơ chế tài chính, cơ chế khuyến khích sáng tạo trong các luật chuyên ngành để tạo điều kiện huy động tối đa nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Hệ thống pháp luật về văn hoá từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước - Ảnh 3.


Về tổng quan hệ thống pháp luật của ngành và yêu cầu đặt ra cho công tác lập pháp, lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ, hiện nay có 8 Luật 47 Nghị định, 35 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 250 Thông tư, Thông tư liên tịch.

Nhìn chung, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện chủ động, hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch đề ra, bám sát thực tiễn hoạt động của Ngành, bảo đảm chất lượng, góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước của Ngành.

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật của Ngành VHTTDL còn một số khó khăn, hạn chế, như: Một số lĩnh vực chuyên môn chưa có Luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh (nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, lĩnh vực văn học...). Một số định hướng, chủ trương về hỗ trợ sáng tạo, công nghiệp văn hóa còn chậm được thể chế hóa; tính dự báo của một số quy định trong văn bản chưa cao, sớm bị sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực thi. Việc kết nối giữa hệ thống pháp luật về văn hóa với các pháp luật liên quan còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, chưa thực sự tạo chính sách, động lực cho phát triển văn hóa.

Những vấn đề trên, đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho Ngành VHTTDL trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW về "tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".

Cân đối, bố trí nguồn lực theo hướng tăng dần cho hoạt động xây dựng pháp luật

Về kết quả thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, đến kỳ họp thứ 4, Bộ VHTTDL được giao và đã hoàn thành việc chủ trì xây dựng 2 luật, phối hợp chủ trì xây dựng 1 luật đã được Quốc hội thông qua, gồm: Luật Điện ảnh; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (phần quyền tác giả, quyền liên quan). Việc triển khai Kế hoạch số 81/KH-TVQH15 được Bộ VHTTDL bảo đảm yêu cầu, tiến độ.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Hệ thống pháp luật về văn hoá từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước - Ảnh 4.

Các đại biểu dự hội nghị chiều 6/9


Về việc triển khai các Luật chuyên ngành ban hành năm 2022 – 2023 và nhiệm vụ các tháng cuối năm 2023 – 2024, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, đối với Luật Điện ảnh, Bộ VHTTDL đã khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành 1 Nghị định, Bộ đã ban hành 3 thông tư và 1 thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định, phân loại phim đến nay đang hoàn thiện, chuẩn bị ký ban hành.

Đối với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình Bộ VHTTDL đã khẩn trương xây dựng trình Chính phủ 1 Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, còn 1 Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình hạn trình tháng 10/2024, Bộ VHTTDL đang triển khai nghiên cứu và xây dựng dự thảo Nghị định.

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ Bộ đã hoàn thành việc xây dựng trình Chính phủ ban hành 1 Nghị định, 1 Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

"Việc triển khai, tổ chức thi hành các Luật trên được Bộ VHTTDL thực hiện tương đối đồng bộ, kịp thời, từ phổ biến tuyên truyền đến bố trí nguồn lực triển khai thực hiện", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ.

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ, thời gian tới, triển khai nhiệm vụ được giao Bộ đã ban hành kế hoạch và tổ chức truyền thông chính sách, lập Kế hoạch xây dựng luật, thành lập Ban Soạn thảo, Tổ biên tập và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Về cơ bản các công việc triển khai bảo đảm quy trình, tiến độ được giao, hiện chưa có khó khăn, vướng mắc. Theo lộ trình cuối năm 2023 sẽ hoàn thiện, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, đầu năm 2024 sẽ trình Chính phủ. Về cơ bản các công việc triển khai bảo đảm quy trình, tiến độ.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Hệ thống pháp luật về văn hoá từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước - Ảnh 5.

Quang cảnh hội nghị


Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, để đảm bảo xây dựng và triển khai các Luật đồng bộ, kịp thời, Bộ VHTTDL đề xuất cần tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng quy định về công tác tổ chức thi hành pháp luật. Cân đối, bố trí nguồn lực theo hướng tăng dần cho hoạt động xây dựng pháp luật.

Trên cơ sở tổng kết các văn kiện của Đảng và sơ kết, tổng kết thi hành các luật chuyên ngành và thực tiễn phát sinh, Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội rà soát, nghiên cứu đề xuất xây dựng pháp luật về văn hóa trong các năm 2025, 2026.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, theo phân công, Bộ VHTTDL đang triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045.

"Đây là chương trình lớn có ý nghĩa. Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội quan tâm, ủng hộ để Bộ VHTTDL triển khai thực hiện", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy bày tỏ.

NỔI BẬT TRANG CHỦ