(Tổ Quốc)- Chiều 10.8, Đoàn kiểm tra Ban chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban chỉ đạo tỉnh Ninh Bình về kết quả thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (gọi tắt là Phong trào) trên địa bàn tỉnh.
- 09.08.2023 Nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tại Thanh Hóa
- 10.02.2023 Xây dựng kế hoạch tổ chức Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” 2023
- 09.02.2023 Hà Nội: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"
- 09.12.2022 Tiếp tục triển khai Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa một cách kiên trì, thường xuyên
- 23.06.2022 Hà Nội: Gia đình văn hóa là hạt nhân, nền tảng của cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Dự buổi làm việc có đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; Cục Văn hóa cơ sở; Cục Di sản văn hóa; Vụ Gia đình; Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL)…
Về phía tỉnh Ninh Bình có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn, Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào tỉnh Ninh Bình cùng các thành viên Ban chỉ đạo Phong trào tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan…
Báo cáo của đại diện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tại buổi làm việc nêu rõ: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 28/12/2021 về phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào giai đoạn 2021-2026, BCĐ phong trào của tỉnh đã ban hành Chương trình thực hiện phong trào giai đoạn 2021-2026 trên địa bàn tỉnh.
BCĐ tỉnh cũng xây dựng kế hoạch hàng năm và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn thực hiện. BCĐ phong trào cấp huyện và cơ sở cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của tỉnh và chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ ở địa phương.
Các ngành thành viên trong BCĐ Phong trào của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của ngành và nhiệm vụ được BCĐ tỉnh phân công đã chủ động ban hành kế hoạch, văn bản thực hiện và lồng ghép các nội dung của Phong trào trong triển khai nhiệm vụ của ngành, cơ quan, đơn vị. Nhiều ngành đã ký kết, triển khai các chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện các nội dung công tác chuyên đề, qua đó góp phần tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chung của Phong trào.
Hoạt động văn hóa-xã hội được quan tâm và đạt được nhiều kết quả, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện. Nhiều sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và Trung ương tổ chức tại Ninh Bình được tổ chức thành công đã góp phần giới thiệu quảng bá về vùng đất, con người Ninh Bình.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh tới cơ sở được củng cố, tăng cường; chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 142/143 xã, phường, thị trấn có Nhà Văn hóa, đạt 99,30%; có 1.609/1.679, đạt 95,83% khu dân cư có Nhà văn hóa gắn với sân thể thao, đáp ứng nhu cầu tổ chức các sinh hoạt chính trị, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí của người dân. Toàn tỉnh hiện có 02 CLB cấp tỉnh, 181 CLB cấp huyện và 837 tổ, đội, nhóm văn nghệ quần chúng, 670 CLB TDTT cơ sở.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ gia đình được công nhận gia đình văn hóa chiếm 92%; khu dân cư văn hóa đạt trên 97%; có trên 78% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu văn hóa. Hiện nay, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 34%; số gia đình thể thao đạt 28,8%. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được quan tâm...
Qua đó góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp mỗi người dân có điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại diện mạo, không gian sống giàu giá trị văn hóa, văn minh, tiến bộ trong các khu dân cư từ thành thị đến nông thôn...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai tổ chức thực hiện Phong trào tại tỉnh Ninh Binh còn gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện như công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Phong trào ở một số địa phương chưa thực sự, sâu sát; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo có nơi chưa chặt chẽ, thiếu chủ động. Việc nắm bắt, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện các nội dung Phong trào có lúc, có nơi chưa kịp thời. Chưa có nhiều giải pháp, sáng kiến, mô hình hay trong quá trình triển khai, thực hiện Phong trào. Cùng với đó, việc tổ chức đăng ký, kiểm tra, đánh giá, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chất lượng danh hiệu chưa bền vững. Kinh phí hoạt động cho Phong trào, việc biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc còn hạn hẹp...
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn kiểm tra của BCĐ Trung ương và các thành viên BCĐ Phong trào tỉnh, đại diện một số sở, ngành liên quan của tỉnh đã đóng góp, trao đổi, thảo luận, nêu ý kiến, tập trung vào một số vấn đề: Về xây dựng văn hóa trong công nhân lao động, vai trò của các cấp Công đoàn; việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao nông thôn, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống vùng miền; việc xét phong tặng các danh hiệu nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian cho các cá nhân trong bảo tồn các di sản văn hóa; sự cần thiết tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, làm du lịch, dịch vụ...
Đặc biệt, nhiều đại biểu chung ý kiến thống nhất, cần gắn chặt hơn nữa các hoạt động của Phong trào với phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa, phát triển du lịch. Nhất là khi Ninh Bình có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nhiều khu điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, cần có cơ chế chính sách, điều kiện tự nhiên, đào tạo bồi dưỡng con người để làm du lịch văn minh, thân thiện; việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa như hát Xẩm, Chèo, Mo mường..., tạo nên một bức tranh văn hóa Cố đô Hoa Lư phát triển, mang đậm bản sắc, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững...
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong thực hiện phong trào, đặc biệt là các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở luôn xác định và coi việc thực hiện nội dung phong trào là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đưa vào trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện... Từ đó đạt được những kết quả phấn khởi trong 5 nội dung hoạt động của Phong trào, khẳng định văn hóa là nền tảng tư tưởng tinh thần, sức mạnh mềm, là động lực, nguồn lực để tỉnh phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL cũng nêu lên một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần tập trung thực hiện, như tiếp tục triển khai Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 28.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 318/QĐ-UBND ngày 04.4.2022 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn liền với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Quan tâm kiện toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về Phong trào. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hoá, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Nâng cao chất lượng bình xét và công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Nghiên cứu đầu tư xây dựng các Trung tâm Văn hóa-Thể thao phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Tăng cường công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra hoạt động của Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp địa phương, nhất là việc bình xét các danh hiệu văn hóa nhằm đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.
Cùng với đó, quan tâm bố trí kinh phí đảm bảo các hoạt động của Phong trào đạt hiệu quả thiết thực, tránh lãng phí nhưng cũng không để thiếu điều kiện hoạt động, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, gắn công tác bảo tồn di tích, di sản với phát triển du lịch. Quan tâm phát triển kinh tế, tạo nguồn lực phát triển văn hóa-xã hội. Làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Phong trào. Đặc biệt, Ninh Bình đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo trong triển khai thực hiện Phong trào, cần được duy trì, phát triển và nhân rộng ra các địa phương…Thay mặt đoàn kiểm tra, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy ghi nhận những kiến nghị của tỉnh Ninh Bình trong quá trình thực hiện phong trào nhằm đề xuất Trung ương xem xét, giải quyết trong thời gian tới.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo Phong trào tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương. Ông Tống Quang Thìn khẳng định, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm và dành nguồn kinh phí cho phát triển văn hóa, xem phát triển văn hóa là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và kiên trì thực hiện. Trong đó quan tâm đến xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc; khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp văn hóa; duy trì, bảo tồn và phát triển các giá trị di sản để phát triển du lịch; tiếp tục phát triển các làng nghề, phong tặng nghệ nhân, ...
Đồng thời, đề nghị các ngành, địa phương tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Phong trào. Giao các Sở, ngành liên quan, trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đại biểu, ý kiến kết luận của đồng chí Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại buổi làm việc, nghiên cứu xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo các BCĐ hoàn chỉnh hơn nữa công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Phong trào trên địa bàn tỉnh./.