(Tổ Quốc) - Khi cơn say bảng hiệu chạm mức điên rồ thì thế nào cảnh sát cũng sẽ xuất hiện. Khá nhiều trường hợp, các ông chủ buộc phải rời dinh thự xa hoa của mình trong còng tay số 8.
Mỗi mùa Xuân và mùa Thu hàng năm, những tấm bảng hiệu ngoài trời lại xuất hiện trong sân vườn của các gia đình Mỹ ở vùng ngoại ô. Chúng đứng hiên ngang giữa đám cỏ dại mà gia chủ còn chưa kịp nhặt, nhiều khi còn phủ đầy nấm mốc hoặc lác đác những đốm phân chim. Mùa Thu năm nay quang cảnh khác nhiều so với những năm trước - có lẽ vì tình trạng bất ổn xã hội lan rộng, cách ly Covid-19, và căng thẳng chính trị.
Truyền thống trưng bảng hiệu trong mùa bầu cử
Trong nhiều năm qua, cư dân ngoại ô có thói quen bày tỏ sự ủng hộ hoặc không ủng hộ các ứng cử viên - chẳng hạn như George Bush và Al Gore; hoặc các vấn đề chính sách, như "Tuần lễ quốc gia ủng hộ nhận thức về bệnh nâm da chân" - bằng cách đặt một tấm bảng hiệu ở sân cỏ trước nhà. Những người hàng xóm nhìn thấy sẽ phản ứng bằng cách đặt luôn hai tấm ở sân vườn nhà mình. Rồi tiếp đó là một phản ứng dây chuyền: Mỗi sáng thức dậy lại thấy thêm những tấm bảng hiệu mới mọc lên trong các khoảng sân vườn cho đến khi những thảm cỏ xanh rì được cắt tỉa cẩn thận chỉ còn nước khuất phục trước cuộc xâm lược này – cỏ hoặc chịu khó né sau bảng hiệu, hoặc lụi dần.
Ở những vùng ngoại ô có mức sống cao hơn, cuộc đua bảng hiệu thường sẽ luôn chạm đến mức điên rồ trước khi dừng lại. Bắt đầu là những tấm biển tự chế đơn giản, sau đó một vài gia đình mua biển in sẵn, một nhà khác lại có sáng kiến gắn thêm đèn neon, và rồi cuối cùng là các bảng quảng cáo khổng lồ được dựng lên trong vườn của một vài gia đình nữa. Rốt cục, bảng hiệu lại thành cách để trưng bày sự giàu có của gia chủ. Một số người có quan niệm rằng càng chi nhiều tiền chăm chút bảng hiệu thì càng thể hiện được cam kết của họ đối với ứng cử viên hoặc với vấn đề chính sách nhất định. Một số khác thì chỉ đơn giản muốn làm thật công phu để người khác liếc nhìn là phải thích mê.
Lưu ý: Một tấm bảng hiệu chưa bao giờ khiến ai thay đổi lá phiếu của mình!
Tuy nhiên đến đoạn cuối, là khi cơn say bảng hiệu chạm mức điên rồ thì thế nào cảnh sát hoặc các sở y tế cũng sẽ xuất hiện và yêu cầu các chủ nhân dọn dẹp nếu không muốn rắc rối. Khá nhiều trường hợp, các ông chủ buộc phải rời dinh thự xa hoa của mình trong còng tay số 8 trước những con mắt hiếu kỳ của hàng xóm.
Bảng hiệu ủng hộ Trump được gắn tại Wisconsin trong kỳ bầu cử 2016. Ảnh: Reuters
Cuộc đua này quả có vui nhưng không phải ai cũng có cảm giác tận hưởng. Công nhân chăm sóc sân vườn khi phải dọn cỏ xung quanh các tấm bảng hiệu làm sao có thể thấy vui khi cứ phải lựa theo những chướng ngại vật mà gia chủ bày ra.
Rồi tiếp đó, chính gia chủ cũng chẳng thấy vui sướng gì với việc dọn dẹp, vứt bỏ bảng hiệu khi bầu cử kết thúc.
Tất nhiên, kiểu gì cũng có người nghĩ ra cách là chờ đến đêm rồi lén bỏ bảng hiệu nhà mình sang sân vườn nhà hàng xóm với hy vọng láng giềng sẽ tiện mà vứt bỏ giúp luôn một thể. Nhiều người thì chọn cách chờ những đợt lá màu Thu trút xuống thì ra xới lá rồi nhân đà ủn bảng hiệu cũ sang sân nhà hàng xóm và vờ như chính gió đã thổi bay mất đồ của nhà họ. Ở Mỹ, những người sống ở vùng ngoại ô không phải chịu trách nhiệm về những gì gió mang đến, mang đi. Vấn đề là : Nếu chiến lược này không thành công, bạn có thể phải đối mặt với một vụ kiện triệu đô.
Khi những tấm biển cuối cùng đã được hạ xuống cũng là lúc các gia đình trong khu rủ nhau tổ chức tiệc nướng hoặc chơi thể thao chung để cùng tán gẫu vui vẻ. Đó là nước Mỹ của nhiều năm về trước.
Truyền thống cắm bảng hiệu trong sân vườn của người Mỹ đang sụp đổ
Nước Mỹ đã trở nên phân cực và bị chính trị hóa đến mức rất nguy hiểm khiến nền dân chủ bị đe doạ. Truyền thống đáng tự hào của các gia đình Mỹ là được dựng bảng hiệu mỗi mùa bầu cử để cổ vũ cho ứng cử viên yêu thích của mình lại khiến tư gia của họ trở thành mục tiêu tấn công của kẻ xấu.
Tôi đã thực hiện một thử nghiệm nhỏ để chuẩn bị cho bài viết này: Tôi lái xe quanh vùng ngoại ô của mình để tìm kiếm các xu hướng mới nhất trong nghi thức bảng hiệu trước cuộc bầu cử tháng 11 tới đây.
Đáng ngạc nhiên, cả một vùng ngoại ô rộng lớn chỉ thấy lác đác vài tấm bảng hiệu của một số gia đình. Bắt chuyện với chủ nhà thì tôi mới vỡ ra rằng:
Nếu bạn đặt một tấm bảng hiệu trong sân vườn của bạn thì ngay lập tức đó sẽ là miếng mồi thu hút những "kẻ điên rồ" xâm nhập tư gia để lấy cắp hoặc phá hoại tấm bảng hiệu vô tội kia. Làm gì có gia chủ nào muốn thấy trong sân nhà mình là tấm bảng hiệu với hình ông Biden được vẽ thêm bộ ria mép hoặc mang dấu ấn ma thuật? (Tất nhiên, câu hỏi trước tiên phải là không rõ tại sao lại có người muốn trưng mặt ông Biden trên sân trước nhà mình chứ)
Nếu bạn thay thế tấm bảng hiệu vừa bị đánh cắp hoặc bị phá hoại bằng một tấm khác, hàng trăm "kẻ điên rồ" sẽ xuất hiện và tấn công tấm bảng hiệu mới của bạn, rồi tiếp theo sẽ là một cuộc biểu tình ngay trước sân nhà bạn hàng tuần cho đến khi bạn động lòng hoặc ăn năn. Thông thường, các quan chức dân cử của chính quyền thành phố, chủ yếu là người đảng Dân chủ, sẽ gia nhập cùng nhóm biểu tình và khiến bạn chỉ còn nước rời đi mà thôi. Cộng đồng của bạn không ủng hộ tính đa dạng của bảng hiệu. Chỉ cần nhớ câu thần chú "Mạng sống của mọi bảng hiệu đều quan trọng."
Bảng hiệu tại Virginia trong kỳ bầu cử 2020. Ảnh: Reuters
Một số người trưng rất nhiều bảng hiệu và bằng cách nào đó "những kẻ điên rồ" chả làm gì được họ. Tại sao? Có thể chủ nhà đã tự trang bị vũ khí, có lịch sử thẳng tay nổ súng vào kẻ xâm nhập, là cựu chiến binh, là thành viên của băng đảng địa phương hoặc có sở thích nuôi chó tấn công. Thường thì hình ảnh một gia chủ ngồi trước hiên nhà với khẩu AK-47 và gương mặt đầy khó chịu chắc chắn luôn là một biện pháp răn đe hữu hiệu.
Một số người lại chọn những cách phòng thủ khác. Có một cách là gắn bảng hiệu vào bệ bê tông. Thì những kẻ phá hoại sẽ dùng xe tải và xúc luôn cả cụm bảng hiệu và bệ gắn. Những người khác lại đặt máy quay video để theo dõi những kẻ xâm nhập. Điều đó chỉ dẫn đến hậu qủa là những bộ máy quay video đắt tiền bị ăn trộm. Có một số trường hợp, chủ nhà "điên tiết" lên đã cho đặt mìn sát thương nhưng điều này gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ, những con sóc vô tội và các bồn hoa. Tất nhiên, cũng phải nói thêm là việc này giúp gia chủ loại bỏ những người hàng xóm khó chịu.
Công bằng mà nói, nhiều trường hợp trộm cắp bảng hiệu hoàn toàn không có động cơ chính trị. Chỉ cần đảo một vòng trên Internet thì bạn sẽ thấy rằng một tấm bảng hiệu làm bằng bìa các tông mỏng manh thôi cũng được bán với giá từ 15 - 25 đô la mỗi chiếc, còn chưa nói đến những tấm bảng hiệu có kèm theo đèn chiếu sang và hệ thống âm thanh lớn. Và thực tế là đang tồn tại một "chợ đen" ở Mỹ để kẻ xấu có thể tiêu thụ những tấm bảng hiệu bị đánh cắp trong mùa bầu cử.
Lời cuối
Quan sát cho thấy: Những kẻ cực đoan đang bòn rút lấy đi từng niềm vui nhỏ bé của đời sống Mỹ.
Câu hỏi đặt ra: Liệu truyền thống nào của người Mỹ sẽ là nạn nhân tiếp theo: Khẩu hiệu in trên áo phông, khẩu hiệu dán trên thanh chắn ô tô, hay những chiếc huy hiệu của chiến dịch tranh cử.
Đừng có nói tiếp tới là cờ Mỹ! Đâu còn nhìn thấy mấy nhà treo cờ trong sân nữa nếu không nói việc này đã trở thành điều cấm kỵ ở một số khu vực.