(Tổ Quốc) - Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT và tỉnh Hà Tĩnh phải làm rõ trách nhiệm trong sự cố Formosa, cần làm công khai, công tâm để công bố cho người dân.
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp |
Tiếp tục Kỳ họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, chiều 31/8, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng và cả năm 2016.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, điểm sáng của kinh tế vĩ mô tháng 8 là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,1% so với tháng 7. CPI bình quân 8 tháng tăng 1,91% so với bình quân cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách Nhà nước đến giữa tháng 8 là gần 604.000 tỷ đồng, bằng 59,5% dự toán.
Thu hút FDI tiếp tục khả quan, tổng vốn đăng ký 8 tháng qua khoảng gần 14,4 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện gần 9,8 tỷ USD.
Nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 19,7%. Tình hình sản xuất nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực.
Trong 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đề ra cho năm nay, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Thách thức đối với kinh tế từ nay đến cuối năm là chỉ số tốc độ tăng trưởng xuất chỉ đạt 6-7% so với mục tiêu 10% và tăng trưởng kinh tế ước đạt từ 6,4 đến 6,7%.
Kết luận phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành phải cụ thể hóa quyết tâm bằng các chính sách, hành động, chỉ tiêu cụ thể, để xử lý các vấn đề của đất nước, thúc đẩy kinh tế-xã hội đất nước.
Thủ tướng cho rằng, thời gian qua các bộ ngành, địa phương đã có sự nỗ lực xử lý các vấn đề như môi trường, đóng cửa rừng tự nhiên.
Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương đã có sự nỗ lực xây dựng thể chế, thực hiện các Nghị quyết 01, 19, 35.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã tăng 3 bậc về môi trường đầu tư kinh doanh, từ 93 lên 90 trong 189 nước. Việt Nam đang xếp thứ 5 trong 10 nước ASEAN.
Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu trở thành 1 trong 4 nước đứng đầu ASEAN về môi trường đầu tư, không phải là điều đơn giản, nhưng đó là mục tiêu trong năm 2017 phải phấn đấu.
Và để đạt được điều đó, quan trọng là phải chuyển biến tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động đến các cấp, các ngành.
Các bộ trưởng cần tập trung hơn, sâu sát tích cực hơn trong triển khai nhiệm vụ của ngành, hướng đến người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các địa phương phải thực hiện quyết liệt các chủ trương, trong đó có những nhiệm vụ cụ thể như đóng cửa rừng tự nhiên, bảo vệ môi trường, bảo hiểm y tế.
Liên quan đến sự cố Formosa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Hà Tĩnh phải làm rõ trách nhiệm của Bộ và tỉnh trong sự cố Formosa, cần làm công khai, công tâm để công bố cho người dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu, những vấn đề khó khăn cần có giải pháp mạnh, trong đó có việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, xử lý nợ xấu. Bên cạnh việc biểu dương một số tỉnh, thành phố và bộ ngành có sáng tạo, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương thực tốt các chính sách, tạo lòng tin của xã hội.
Thủ tướng kết luận về tình hình kinh tế xã hội |
Về tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng qua, Thủ tướng đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội đã có chuyển biến tích cực, xuất nhập khẩu tăng khá, thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI tăng nhanh, số doanh nghiệp thành lập mới tăng khá.
Về một trong những nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, nếu số lượng doanh nghiệp nhỏ sẽ ảnh hưởng đến việc làm, tăng trưởng và ngân sách.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung các giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp.
Theo đó phải tiếp tục thực hiện chương trình khởi nghiệp bằng các giải pháp mạnh mẽ hơn, để đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiết kiệm đầu tư, mua sắm công, quản lý tài sản công tốt hơn. Bên cạnh đó, phải giảm biên chế bằng cách đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu cơ quan này chịu trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ, bảo đảm kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra. Cùng với đó là tiếp tục xử lý nợ xấu, nhất là kiểm soát nợ xấu mới. Ngân hàng Nhà nước cần đề xuất các giải pháp quyết liệt và đột phá để xử lý nợ xấu.
Bộ Tài chính có giải pháp chống thất thu thuế, rà soát các chính sách, thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo minh bạch, công khai.
Cùng với đó là minh bạch việc nộp thuế của các doanh nghiệp quy mô lớn, không để xảy ra tình trạng thỏa thuận, cưa đôi thuế.
Và nhiệm vụ quan trọng nữa là Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó thực hiện tốt Nghị quyết 60 của Chính phủ, để tạo động lực tăng trưởng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương rà soát các chính sách xuất nhập khẩu rõ hơn cho từng lĩnh vực.
Với hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP.HCM, Thủ tướng nhấn mạnh phải phấn đấu mỗi thành phố thu ngân sách vượt kế hoạch 10.000 tỷ đồng. Các địa phương khác nỗ lực để tự cân đối ngân sách./.