• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: Các bộ ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho doanh nghiệp

Kinh tế 11/05/2020 09:49

(Tổ Quốc) - "Nhiều doanh nghiệp lớn trong bối cảnh khó khăn nhất của đại dịch họ không xin tiền vì biết ngân sách Nhà nước rất khó khăn, họ chỉ xin cơ chế", ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020.

Cần khởi động lại nền kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020 diễn ra trong sáng 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ đây là thời điểm cần khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ có 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Muốn như vậy chúng ta phải tập trung vào "5 mũi giáp công". Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với dân số gần 100 triệu dân của Việt Nam.

Do đó, hội nghị hôm nay chính là để cụ thể hóa chiến thuật này, bằng mọi giá, phải có kết quả cụ thể, không nói suông, nói rồi để đó mà thể hiện tinh thần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị cơ quan nhà nước các cấp phải "xắn tay áo" tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp, không được có tâm lý "quyền anh, quyền tôi" mà phải vì đất nước, vì dân tộc, vì gần 100 triệu dân Việt Nam.

Đặc biệt không để cán bộ công chức vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng: Các bộ ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

"Biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế"

Báo cáo trước Thủ tướng, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mặc dù tình hình doanh nghiệp trong tháng 5 đã bước đầu có dấu hiệu tích cực hơn so với các tháng trước đó, nhưng nhìn chung vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Có 69% doanh nghiệp giảm doanh thu do thị trường bị thu hẹp, 45% doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu dòng tiền, 22% khó khăn trong việc tìm kiếm vật tư, nguyên liệu, 18% thiếu hụt lao động có kĩ năng … 

Trong bối cảnh này, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản phải trả, phải thu, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, cắt giảm các khoản phí, lệ phí, nâng trần tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng….

"Biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế", đại diện VCCI nhấn mạnh. Theo ông Vũ Tiến Lộc, sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp cứu cánh bền vững cho doanh nghiệp.

VCCI kiến nghị Chính phủ tiếp tục cải cách thể chế, đưa Việt Nam lọt vào tốp 4 nước có năng lực cạnh tranh tốt nhất Asean, coi đây là thước đo đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu ở tất cả các ngành và các địa phương.

Thủ tướng: Các bộ ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Vũ Tiến Lộc dẫn chứng chỉ riêng việc giải ngân khoản đầu tư công trên 30 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng (vốn đã có trong kế hoạch với số tiền "trong túi" của các bộ ngành và địa phương) thì đã tạo ra một cú hích quan trọng cho đầu tư phát triển, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân, xây dựng được nền tảng hạ tầng cho giai đoạn bứt phá của nền kinh tế sau này. 

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia, VCCI đề nghị Chính phủ xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.

"Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam vào thời điểm này, vẫn là khó khăn về thị trường tiêu thụ. Tôi đề nghị, phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam, để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt", Chủ tịch VCCI khẳng định.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ