(Tổ Quốc) - Sáng 7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 28 tỉnh, thành phố ven biển, 136 quận, huyện, thị xã và 675 xã, phường, thị trấn.
- 16.06.2021 Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản trái phép
- 30.12.2019 Chấm dứt khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài
- 12.07.2019 Chống khai thác hải sản bất hợp pháp là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu
- 21.06.2019 Phó Thủ tướng chủ trì phiên họp chống khai thác hải sản trái phép
- 20.09.2018 Công điện của Thủ tướng về tăng cường giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương tham dự cuộc họp.
Năm 2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đưa cảnh báo "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện các giải pháp để gỡ "thẻ vàng", chúng ta đạt được một số kết quả, song mục tiêu lớn nhất là gỡ "thẻ vàng" chưa đạt được. Cuộc họp nhằm đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để sớm đạt mục tiêu lớn nhất này, dứt khoát không để bị "thẻ đỏ", thúc đẩy phát triển ngành thủy sản đi đúng hướng.
Bắt đầu cuộc họp, thay vì nghe ngay báo cáo của các bộ, ngành như chương trình dự kiến, với tinh thần sâu sát cơ sở, gần dân, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu kết nối trực tiếp với nhiều đơn vị cấp huyện, xã tại những tỉnh có nhiều ngư dân vi phạm để tìm hiểu tình hình thực tế.
Thủ tướng đặt hàng loạt câu hỏi với lãnh đạo các địa phương này: Đã tuyên truyền cho người dân về các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định về khai thác hải sản chưa? Tuyên truyền bằng cách nào? Việc tổ chức thực hiện thế nào, có khó khăn gì? Tỉnh, huyện có xuống kiểm tra thực tế ở cơ sở không? Trên địa bàn xã, phường có người vi phạm không? Việc tổ chức quản lý cần thế nào để làm tốt hơn trong tình hình hiện nay?...
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đã nêu nhiều giải pháp, đề xuất theo tinh thần đề cao trách nhiệm trên lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, thực hiện các biện pháp khắc phục các hạn chế để trong năm 2021 giảm ít nhất 40% số tàu cá vi phạm hiện nay; đến tháng 10/2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhiều địa phương cam kết với Thủ tướng về mốc thời gian chấm dứt vi phạm của tàu cá trên địa bàn.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Ngành thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn với sản lượng khoảng 9 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 8,5 đến 9 tỷ USD mỗi năm. Theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, đến năm 2030, sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng 14 đến 16 tỷ USD. Sự hiện diện và hoạt động của ngư dân trên các vùng biển đã giải quyết việc làm, sinh kế cho khoảng một triệu ngư dân và 4 triệu người liên quan; góp phần phát triển ngành thủy sản, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội đất nước, góp phần quan trọng vào bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh những kết quả đạt được rất cơ bản, ngành khai thác, đánh bắt hải sản còn nhiều hạn chế, yếu kém, dẫn tới việc EC cảnh cáo thẻ vàng. Để gỡ "thẻ vàng" và không để bị "thẻ đỏ", Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt; Ban Chỉ đạo, các Ban, Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển trong thời gian qua đã rất tích cực trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Phía EC đã đi kiểm tra thực tế tại Việt Nam 2 lần vào các năm 2017, 2019; ghi nhận những nỗ lực tích cực của phía Việt Nam.
Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, chúng ta còn rất nhiều vấn đề chưa đạt yêu cầu; không những chưa gỡ được "thẻ vàng" mà còn có nguy cơ bị nâng lên "thẻ đỏ". Tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài - đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng. Các tỉnh có tàu cá vi phạm đã được nêu rõ trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thủ tướng nêu rõ 10 tỉnh phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm.
Ngư dân chưa thực hiện nghiêm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo Luật Thủy sản, đến nay mới đạt 27.628/30.609 tàu cá (90,26%); hơn nữa, còn tình trạng lắp đặt rồi thì lại ngắt kết nối khi đánh bắt. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU chưa nghiêm; có địa phương thì xử phạt, có địa phương lại chỉ tuyên truyền, nhắc nhở. Công tác chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản chưa bảo đảm độ tin cậy cao…
Những vấn đề nêu trên có nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chính là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở chưa chặt chẽ, nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, vận động chưa tốt. Một bộ phận người dân có lúc chưa có ý thức, trách nhiệm tốt trong thi hành các quy định liên quan đến khai thác thủy sản.
Thủ tướng nêu rõ mục tiêu chậm nhất trong năm nay, tức là còn 4 tháng nữa, phải chấm dứt tình trạng vi phạm nói trên. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phải hoạt động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm công việc, giám sát, kiểm tra. Các địa phương phải tổ chức quản lý, hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về khai thác, đánh bắt thủy sản. "28 tỉnh thành phố, 136 huyện thị và đặc biệt là 675 xã phường thị trấn phải quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt, đạt được mục tiêu", Thủ tướng nghiêm khắc.
Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trên biển.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất rõ ranh giới cho phép tàu cá hoạt động khai thác hải sản tại các khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp. Tăng cường công tác nắm tình hình tại các nước bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam, phối hợp với nước sở tại thu thập thông tin, hồ sơ bằng chứng tàu cá vi phạm để kịp thời trao đổi với cơ quan chức năng trong nước củng cố hồ sơ, bằng chứng tàu cá vi phạm, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam.
Bộ Công an chỉ đạo tập trung điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý dứt điểm các đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Thủ tướng yêu cầu trong năm 2021, khởi tố hình sự một số vụ việc vi phạm để răn đe, làm gương trên cơ sở quy định pháp luật.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đề xuất hoàn thiện thể chế, khung pháp lý, nâng cao tính răn đe để người dân có ý thức hơn. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức triển khai đầu tư, đẩy mạnh số hóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, quản lý, khai thác hiệu quả thiết bị giám sát hành trình tàu cá, hỗ trợ ngư dân. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về nghề cá. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các cấp, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy chế làm việc.
"Nâng cao nhận thức, thống nhất và quyết tâm hành động, tổ chức thực hiện thật tốt, hướng dẫn nhân dân cùng làm để chậm nhất cuối năm nay, các hiện tượng vi phạm, tiêu cực chấm dứt, cùng EU gỡ thẻ vàng, đưa hoạt động khai thác thủy sản trở lại lành mạnh, phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế, phù hợp lợi ích chính đáng của đất nước ta nói chung và của ngư dân nói riêng", Thủ tướng nhấn mạnh./.
Bình luận