(Tổ Quốc) -Sáng 12/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự họp và chỉ đạo tổng kết công tác ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) năm 2016, phương hướng năm 2017.
Năm thành công toàn diện
Sau khi Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trình bày báo cáo tổng kết và thảo luận của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao ngành VHTTDL gặt hái được nhiều thành công trên các lĩnh vực trong năm vừa qua.
Cho rằng, đây là ngành tổng hợp, Thủ tướng đánh giá, năm 2016, ngành VHTTDL đã chủ động, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực được giao.
Thủ tướng đánh giá năm 2016 là một năm gặt hái được nhiều kết quả trong việc hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch như Đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch...; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành được thực hiện tốt.
Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, quy mô được tổ chức góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, xã hội hóa hoạt động nghệ thuật hiệu quả, nhất là lĩnh vực điện ảnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là tôn vinh được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn; nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Năm 2016, UNESCO đã công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng tổng số di sản của nước ta được UNESCO ghi danh lên 25 di sản. Thể thao Việt Nam đạt được nhiều thành tích nổi bật trên đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Công tác gia đình được thực hiện hiệu quả với nhiều hoạt động, chủ đề thiết thực. Đặc biệt, Việt Nam đã đón được 10 triệu khách quốc tế, thu nhập từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng, về đích trước bốn năm so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
Thủ tướng chia sẻ, ông luôn theo dõi từng bước chân của các cầu thủ Việt Nam, vận động viên của Việt Nam trên các đấu trường. Lĩnh vực du lịch đạt kết quả đáng khích lệ, tiếng kêu của người dân về những mặt tồn tại, bất cập đã được khắc phục một bước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị tổng kết ngành VHTTDL. |
Đánh giá từng lĩnh vực cụ thể, Thủ tướng cho rằng, ngành đã làm tốt công tác xây dựng văn bản pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Bộ VHTTDL trong việc xây dựng và trình Bộ Chính trị đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và dự thảo Luật Du lịch.
“Tôi đánh giá đây là thành quả bước đầu của Bộ trong việc ban hành thể chế, chính sách trong quản lý. Nếu không có chính sách, hành lang pháp lý không đầy đủ, toàn diện thì khó phát triển bền vững. Tôi yêu cầu những năm tiếp theo, Bộ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác này”- Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng đánh giá cao ngành VHTTDL trong năm qua đã có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, quy mô, góp phần quảng bá văn hóa, du lịch, con người Việt Nam; số lượng các bộ phim Việt Nam tăng nhanh, chất lượng phim được cải thiện…
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đạt nhiều kết quả quan trọng đặc biệt là tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đặc biệt năm 2016, tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới…
Về thể thao, Thủ tướng nêu bật những thành tích nổi bật trên đấu trường châu lục và thế giới như lần đầu tiên, Việt Nam có vận động viên đạt HCV Olympic hay Paralympics ... Cá nhân Thủ tướng luôn theo dõi từng bước chân các cầu thủ, các vận động viên… để kịp thời động viên, khích lệ. Năm 2016, Thể thao Việt Nam cũng không có vụ việc tiêu cực nào và Thủ tướng khẳng định, đây là việc đáng mừng trong việc giáo dục đạo đức, tuyên truyền cho các vận động viên.
Về công tác gia đình, lĩnh vực cũng đã có rất nhiều chủ đề thiết thực nhằm tôn vinh ý nghĩa của gia đình trong cuộc sống hiện đại.
Với những kết quả đáng khích lệ của ngành du lịch, Thủ tướng cho hay, ngành đã tăng trưởng 26%, thu nhập đạt trên 400.000 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở vật chất du lịch đã nâng lên một bước đáng kể, các khách sạn 5 sao xuất hiện tại các địa phương nhiều hơn.
“Kết quả của ngành đạt được là rõ nét và toàn diện. Đây là thành công đáng mừng của Bộ và các địa phương. Công sức các đồng chí là rất lớn. Tôi biểu dương sự cố gắng lớn lao của cán bộ toàn ngành chúng ta đã đóng góp trong năm 2016 vừa qua”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại khi môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, lệch lạc, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, thể hiện những thói hư tật xấu, xuống cấp trong đạo đức, lối sống, chuộng hư danh.
Đề cập đến tình trạng nghèo nàn đơn điệu về đời sống văn hóa ở nhiều nơi, Thủ tướng nhấn mạnh việc thiếu các thiết chế văn hóa ở các khu công nghiệp. “Tôi nói tồn tại này để các địa phương cùng với ngành văn hóa phải lo cái này tốt hơn. Công nhân đi làm từ sớm tới khuya, 8-9 giờ tối mới về, chỗ ăn không có, chỗ tập không có, chỗ xem không có. Nhà ở không có phải đi thuê. Có phải khuyết điểm này là của chúng ta hay không? Tôi với anh Vũ Đức Đam (Phó Thủ tướng Chính phủ) cũng trăn trở cái này nhiều lắm. Chúng tôi đang cố gắng làm điều gì đó để đáp ứng lời nói và hành động này”, Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng chia sẻ vất vả với giới văn nghệ sĩ
Cho rằng đồng lương, thu nhập trong ngành VHTT&DL còn thấp, còn khiêm tốn, nhất là đối với văn nghệ sĩ, vận động viên, huấn luyện viên, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ và bản thân Thủ tướng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, những nỗi vất vả trong công việc với các đồng chí.
Thủ tướng cũng chia sẻ và nhất trí với 14 nhiệm vụ, giải pháp mà ngành VHTT&DL nêu ra, đồng thời mong muốn ngành đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ ngay từ quý I/2017.
Nhắc lại lời nói của Bác Hồ: Văn hóa soi đường quốc dân đi, Thủ tướng nêu vấn đề: “Vậy soi thế nào, tỏa sáng thế nào để mọi người dễ đi, dễ tiến lên, lan tỏa bằng thần thái của văn hóa, văn nghệ, bằng những tác phẩm xuất sắc phục vụ nhân dân”.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng bản lĩnh văn hóa của đất nước, của mỗi công dân, xây dựng nền tảng hun đúc tinh thần cho xã hội để làm xã hội đẹp hơn, tạo dựng nền tảng một xã hội vui tươi, đẹp đẽ, phấn khởi, tạo dựng một không gian sáng tạo để xuất hiện những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc.
“Các đồng chí phải lắng nghe các nhà văn hóa góp ý về hướng đi, cách làm cho tốt. Không để tình trạng văn nghệ sĩ đi một đằng mà Đảng, Nhà nước đi một nẻo. Chúng ta phải cùng chí hướng để xây dựng đất nước Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Kiên quyết đẩy lùi cái xấu, lạc hậu, thói thờ ơ, vô cảm
Ngành VHTT&DL cần coi trọng nhân tài, phải đầu tư chiến lược, đầu tư chiều sâu để tạo nên các tác phẩm. Vấn đề chiêu hiền đãi sĩ không chỉ ở ngành khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo mà cả trong ngành VHTT&DL.
Vì vậy, cần đặt văn hóa có vị trí ngang hàng với các lĩnh vực trọng yếu trong sự phát triển đất nước. Cần đẩy mạnh phát triển văn hóa trên cơ sở bảo đảm bền vững hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa.
Văn hóa không thể đi sau kinh tế. Coi nhẹ văn hóa thì đất nước không thể phát triển bền vững được.
Chính vì vậy, trong sự nghiệp phát triển văn hóa, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng, không chỉ là hạt nhân cơ bản sáng tạo ra văn hóa mà đồng thời còn là đối tượng thụ hưởng, chịu sự tác động chi phối của nền văn hóa đó.
Bên cạnh việc phát triển toàn diện nhân cách đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật… thì phải kiên quyết đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái lạc hậu, những tệ nạn xã hội, thói thờ ơ, vô cảm, cũng như những quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng tới văn hóa con người Việt Nam.
Chính vì vậy, ngày nay, ngành văn hóa phải làm sao tạo ra những hình tượng con người mới, hình ảnh đất nước con người Việt Nam vươn lên phát triển mạnh mẽ trong hội nhập quốc tế.
Phải chủ động tham mưu, đề xuất với Chính phủ và chính quyền các cấp ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm xóa bỏ các rào cản cho phát triển văn hóa. Những gì giữ văn hóa Việt Nam trường tồn trong hội nhập, chúng ta tiếp tục vun xới, giữ gìn, phát huy, những gì là rào cản thì cần khắc phục.
Phải tập trung phát triển những lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, thể thao giải trí, du lịch văn hóa… từng bước hình thành, phát triển công nghiệp văn hóa, đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập của đất nước.
Bên cạnh đó, phải chủ động phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng văn hóa trong kinh tế; khai thác hiệu quả khía cạnh kinh tế của văn hóa, nâng cao giá trị văn hóa trong các sản phẩm mang đặc trưng, đặc sắc của mỗi địa phương.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch để tìm nguồn lực bổ sung cho văn hóa, thể thao và du lịch từ xã hội hóa.
Tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, tiến bộ, giữ gìn phát huy truyền thống đạo lý dân tộc trong quan hệ gia đình, dòng họ, gắn bó có trách nhiệm giữa các thế hệ trong gia đình, quan hệ vợ chồng lành mạnh, văn minh, không có bạo lực trong gia đình.
Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa. Quan tâm phát triển văn học nghệ thuật; bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
Phải chủ động đấu tranh chống văn hóa phẩm độc hại. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Nhà nước trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Nguyên Bộ trưởng VHTTDL Hoàng Tuấn Anh. |
Phải tập trung phát triển những lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, thể thao giải trí, du lịch văn hóa… từng bước hình thành, phát triển công nghiệp văn hóa, đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập của đất nước.
Bên cạnh đó, phải chủ động phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng văn hoá trong kinh tế; khai thác hiệu quả khía cạnh kinh tế của văn hoá, nâng cao giá trị văn hoá trong các sản phẩm mang đặc trưng, đặc sắc của mỗi địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch để tìm nguồn lực bổ sung cho văn hóa, thể thao và du lịch.
Tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, tiến bộ, giữ gìn phát huy truyền thống đạo lý dân tộc trong quan hệ gia đình, dòng họ, gắn bó có trách nhiệm giữa các thế hệ trong gia đình.
Bày tỏ băn khoăn về tình trạng “thấp bé nhẹ cân” trong thanh niên, Thủ tướng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất, nhất là giáo dục thể chất trong nhà trường và hoạt động thể thao quần chúng, nâng cao sức khỏe cho mọi người.
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả chiến lược phát triển du lịch, đặc biệt là Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thủ tướng đề nghị ngành VHTT&DL có biện pháp để trả lời 5 câu hỏi: Làm thế nào để du khách ngày một tìm đến các địa điểm du lịch của Việt Nam đông hơn? Làm thế nào để khách ở lâu hơn thay vì phải rời đi sớm? Làm thế nào để khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu? Làm thế nào để khách kể lại những câu chuyện du lịch thú vị với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi chứ không phải kể xấu hay chê bai về Việt Nam? Làm thế nào để khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại?
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục ngay những vấn đề là nõi lo sợ của du khách như chèo kéo, chặt chém… Cần gắn việc thúc đẩy văn hóa, du lịch, thể thao với APEC 2017.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chung tay tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển ngành VHTT&DL bằng các biện pháp như chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ vốn cho đầu tư vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa; cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ sáng tạo, quảng bá văn học nghệ thuật...
Tin tưởng với truyền thống và kết quả đạt được thời gian qua của ngành VHTTDL, Thủ tướng mong mỏi những chiến sĩ tiếp tục kiên cường trên mặt trận văn hóa, tiếp đục đóng góp xây dựng ngành xứng đáng với niềm tin của đất nước và nhân dân.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. |
Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sự có mặt của Thủ tướng và Phó Thủ tướng tại buổi tổng kết ngành hôm nay thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với với sự nghiệp, xây dựng và phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
“Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, chỉ đạo của Thủ tướng hôm nay chính là phương châm hành động, là quyết tâm chính trị của toàn ngành trong việc hoàn thành trọng trách được Đảng và Nhà nước giao cho”- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.
Thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ VHTTDL và cán bộ toàn ngành VHTTDL, Bộ trưởng trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị và xin hứa, tập thể Lãnh đạo Bộ VHTTDL, cán bộ toàn ngành thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao, khắc phục tồn tại, hạn chế, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ đề ra cho năm 2017 và những năm tiếp theo.
Cuối buổi làm việc tại Bộ VHTTDL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Nguyên Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh./.