• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: Có Bí thư, Chủ tịch đi xin bổ sung danh mục công trình nhưng về lại kêu khó không triển khai

Thời sự 07/07/2020 15:27

(Tổ Quốc) - Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 vào sáng nay (7/7), tại Bộ Tài chính.

Thời điểm thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

Thủ tướng khẳng định, dù trong bối cảnh nào, ngành tài chính vẫn là huyết mạch của nền kinh tế, vì “người ta hay nói là có thực mới vực được đạo”, không có nguồn lực tài chính thì khó trong điều hành. Vì vậy, trong khó khăn, chúng ta càng thấy vai trò quan trọng của ngành tài chính nước nhà.

Thủ tướng: Có bí thư, chủ tịch đi xin bổ sung danh mục công trình nhưng về lại kêu khó không triển khai - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP

Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa là một trong những công cụ quan trọng nhất của Nhà nước để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

Cỗ máy tăng trưởng được ví như cỗ xe tam mã (gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng), Thủ tướng đặt vấn đề ngành tài chính đóng góp lực đẩy cỗ xe tam mã này như thế nào để kéo nền kinh tế là câu hỏi lớn của toàn ngành tài chính.

“Chính phủ, các cấp, các ngành, cả nước đều kỳ vọng, muốn các đồng chí đổi mới mạnh mẽ, chỉ đạo đột phá trong tư duy phát triển để chính sách tài khóa nói riêng, chính sách tài chính nói chung thực sự tạo ra những động lực to lớn cho nền kinh tế phục hồi, phát triển” - Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh về tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, Thủ tướng cho biết tất cả các đối tác thương mại lớn của chúng ta đều bị ảnh hưởng nặng nề, chưa thoát ra khỏi dịch bệnh.

Hầu hết các nước trên thế giới đều thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ chưa từng có để kích cầu, tạo việc làm, hỗ trợ người dân.

Theo Thủ tướng, thời gian khó khăn vừa qua chính là thời điểm thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của dân tộc ta tỏa sáng, đúng là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, càng khó khăn, chúng ta càng nỗ lực vượt khó vươn lên.

Kết quả quan trọng đạt được cả 3 trụ cột: Phòng, chống dịch; duy trì tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng cho rằng, điều này có đóng góp quan trọng của đội ngũ trên 70.000 cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính.

“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”

Về nhiệm vụ những tháng cuối năm và thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, so với các nước, không gian chính sách tài khóa và tiền tệ của chúng ta còn dư địa khá lớn trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng: Có bí thư, chủ tịch đi xin bổ sung danh mục công trình nhưng về lại kêu khó không triển khai - Ảnh 2.

Toành cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

Để thực sự phát huy vai trò huyết mạch của ngành tài chính, tạo động lực thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới, Thủ tướng đề nghị tập trung nghiên cứu, triển khai một số quan điểm, định hướng chủ đạo.

Trước hết, Bộ Tài chính, cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài chính, ngân sách, cần có sự đổi mới về tư duy phát triển và hoạch định chính sách.

Theo đó, cần có quan điểm chủ động, tích cực hơn về vai trò chính sách tài khóa trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính cần chủ động nghiên cứu xây dựng sớm báo cáo cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách, giải pháp tài khóa linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.

Thủ tướng cũng cho rằng, Bộ Tài chính phải có tầm nhìn bao quát rộng hơn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là một cơ quan tổng hợp của Chính phủ trong quản lý, điều tiết kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thị trường giá cả, khơi thông các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường giá cả, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật về giá, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá, quản lý tốt giá xăng dầu, điện, nước, giá dịch vụ giáo dục, y tế để không ảnh hưởng đến chỉ số giá. “Chúng ta cương quyết giữ lạm phát ở mức dưới 4%”, Thủ tướng nói.

Về thu ngân sách, không để mất cân đối lớn, không làm dự toán ngân sách bị đổ bể sâu. Nói về chi ngân sách, Thủ tướng cho rằng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện hiệu quả chủ trương tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo tinh thần Nghị quyết 84 của Chính phủ.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, khẩn trương báo cáo Chính phủ triển khai gấp giải ngân vốn đầu tư công. Nhấn mạnh về con số 700.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD) vốn kế hoạch cần giải ngân trong năm 2020, Thủ tướng cho biết, lần này sẽ đánh giá bộ, ngành, địa phương có hoàn thành nhiệm vụ hay không dựa trên tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công.

"Có bí thư, chủ tịch đi xin vốn, bổ sung danh mục công trình nhưng về không triển khai, giao khoán cho bên dưới, không động tĩnh gì, nhất là giải phóng mặt bằng. Đi đâu cũng kêu khó về giải phóng mặt bằng, đã kêu khó thì đừng có xin về, mang tiếng” - Thủ tướng nói.

Đã chi 15.300 tỷ đồng cho công tác chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân khó khăn

Trước đó, báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng qua ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013, trong đó, thu nội địa giảm hơn 7%, thu dầu thô đạt 59,7% dự toán.

Thủ tướng: Có bí thư, chủ tịch đi xin bổ sung danh mục công trình nhưng về lại kêu khó không triển khai - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo. Ảnh VGP

Về thu nội địa, thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế đều đạt thấp. Cụ thể, khu vực DNNN giảm 21,5%; khu vực doanh nghiệp FDI giảm 6,3%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 15%.

Theo Bộ Tài chính, kết quả này phản ánh thực trạng nền kinh tế hiện nay, cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp thực sự gặp nhiều khó khăn.

Tính đến cuối tháng 6, cơ quan thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định 149.000 đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất của doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh; tổng số tiền được gia hạn khoảng 43.000 tỷ đồng.

Về tổng chi NSNN, tính đến hết tháng 6 ước đạt 41,8% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán.

Đến nay NSNN đã chi khoảng 15.300 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó chi cho công tác phòng chống dịch là 4.100 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho hơn 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11.300 tỷ đồng.

Bảo Trân (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ