Phát biểu tại cuộc đối thoại với công nhân kỹ thuật cao tại TPHCM sáng 5/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải đáp vấn đề “ai sẽ phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật cao”, đồng thời chỉ ra yêu cầu hàng đầu đối với đội ngũ công nhân, lao động.
Đại diện công nhân tham dự buổi đối thoại.
Công nhân kiến nghị, Bộ/ngành/doanh nghiệp nêu giải pháp
Là người đầu tiên đặt câu hỏi tại cuộc đối thoại, anh Đinh Đăng Toàn, (Công ty cổ phần Quốc tế Phong phú) chia sẻ một số ngành nghề đặc trưng mà ngành giáo dục chưa đáp ứng được. Kỹ thuật viên nhiều ngành nghề phải thuê nước ngoài, tốn nhiều tiền trả lương. Nhân lực Việt Nam chỉ tự thân học hỏi kinh nghiệm là chính chứ chưa được đào tạo bài bản.
"Ngành giáo dục phải xem xét, hoàn thiện quy trình đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều khi công nhân phải bỏ tiền túi ra để thực hiện sáng kiến cải tiến nhưng chính sách khen thưởng chưa phù hợp, điều này không tạo động lực cống hiến cho họ”, anh Toàn bày tỏ.
Cùng suy nghĩ ấy, anh Nguyễn Xuân Quang (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) cho rằng việc đổi mới đào tạo công nhân, nhất là công nhân chất lượng cao là cần thiết. Việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp, chúng ta đã làm nhưng chưa đi vào thực chất. Trong khi đó, hệ thống quản lý điều hành ngày càng phức tạp. Do vậy, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách tạo điều kiện cho người công nhân nâng cao trình độ.
Chị Trần Thị Lan Anh (Công ty Bóng đèn, phích nước Rạng Đông) đề xuất: "Mọi sáng kiến của công nhân lao động dù nhỏ hay lớn nên luôn được quan tâm nuôi dưỡng. Chính phủ cần xem xét xây dựng những trung tâm để hỗ trợ, làm bệ đỡ cho ý tưởng của anh em công nhân, biến ý tưởng thành hiện thực”.
Theo ông Phan Anh Hây (Công ty TNHH Unilever Việt Nam), cuộc cách mạng 4.0 sẽ hình thành thêm một lớp công nhân kỹ thuật cao. Do vậy, Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao, kéo theo nhu cầu tuyển dụng và sử dụng công nhân kỹ thuật cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với công nhân trước cuộc đối thoại. |
Trước các ý kiến của công nhân, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết Bộ đang hoàn thiện Đề án đổi mới nâng cao chất lượng nghề nghiệp theo hướng dự báo tốt về nhu cầu thị trường, giảm lý thuyết, tăng thực hành, tập trung đào tạo mới và đào tạo lại cho những công nhân có nhu cầu.
"Hiện nay, chúng ta đang xây dựng tiêu chuẩn đầu ra cho 160 ngành nghề, lĩnh vực. Ngoài nâng cao chất lượng đào tạo trong nước, Chính phủ cho nhập 34 bộ giáo trình từ Australia và Đức, công nhân theo học giáo trình này sẽ được công nhận trình độ quốc tế. Trên cơ sở liên thông đào tạo và liên thông chứng chỉ, người lao động có thể làm việc không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế", ông Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết hiện Bộ đã chỉ đạo, cho phép tạo môi trường sinh thái gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Theo đó, cho doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào việc đào tạo; các kỹ sư có kinh nghiệm có thể tham gia công tác đào tạo.
Ý kiến một số bộ, ngành cho rằng, đào tạo lao động có trách nhiệm của doanh nghiệp là để nâng cao sức cạnh tranh nên doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Muốn vậy, doanh nghiệp phải đào tạo để có đội ngũ lao động kỹ thuật cao.
Về phía người sử dụng lao động, các doanh nghiệp nêu thực trạng đa phần người lao động ra trường vào làm doanh nghiệp đều phải đào tạo lại. Có doanh nghiệp phải đào tạo lại từ 1-2 năm. Nhưng các doanh nghiệp xác định đào tạo lao động là một nhiệm vụ quan trọng và đã bắt đầu chủ động mở các trung tâm đào tạo hoặc cử lao động đi học.
Đại diện Hãng Vietnam Airlines cho biết doanh nghiệp hiện có 22.500 lao động, trong đó có 1.200 phi công, 2.500 kỹ sư máy bay và 3.000 tiếp viên, cho biết, 75% đội bay của hãng là phi công Việt Nam (800/1.200 phi công).
Để làm điều đó, hãng tập trung đầu tư lớn cho đào tạo như mở trung tâm huấn luyện bay, đầu tư thiết bị mô phỏng bay cũng như hợp tác với trung tâm đào tạo lớn của cả nước cũng như quan tâm đến chính sách đãi ngộ người lao động. Hiện mức lương phi công Việt Nam bằng khoảng 75% lương phi công nước ngoài, trung bình khoảng 150 triệu đồng người/tháng. Nhưng do đang đối diện tình trạng “chảy máu chất xám”, doanh nghiệp này đề nghị cần có quy định cụ thể để bảo đảm sự ổn định về nguồn nhân lực.
Cùng quan điểm về vấn đề chủ động đào tạo, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, đơn vị hiện quản lý 8.200 lao động, cho biết doanh nghiệp hợp tác với Hà Lan mở trung tâm đào tạo nghiệp vụ cảng biển, cử lao động đi đào tạo ở các cơ sở đào tạo lớn.
Thủ tướng ghi nhận ý kiến của công nhân và giao VPCP tổng hợp để cuộc họp đạt kết quả đến cùng. |
Dành 3 tiếng rưỡi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, phân loại, có văn bản gửi cho từng bộ, ngành, địa phương để trả lời, “để cuộc họp đạt kết quả đến cùng chứ không phải nói ở hội trường là xong”, Thủ tướng lưu ý.
Ai sẽ phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật cao?
Thủ tướng khẳng định công nhân kỹ thuật cao là tài nguyên, là tài sản, vốn quý của dân tộc, quốc gia. Thế giới đã chuyển từ tuyển dụng dựa vào bằng cấp sang tuyển dụng nhân lực sở hữu kỹ năng cụ thể. Do vậy, công nhân kỹ thuật cao là lực lượng lao động đang có nhu cầu tăng cao, không lo bị robot thay thế.
Công nhân kỹ thuật cao, tay nghề cao là cơ hội cho sự phát triển cạnh tranh khi đất nước hội nhập. Đặc biệt, công nhân kỹ thuật cao làm cho hiệu suất lao động cao, từ đó, có thu nhập cao.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là trong 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động, trên tổng số hơn 53 triệu lao động cả nước thì có chưa đến 19% công nhân kỹ thuật cao. Theo Thủ tướng, tỷ lệ này là thấp. Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển nhanh nhưng nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, đặc biệt doanh nghiệp có năng suất thấp, sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp còn hạn chế mà nguyên nhân đầu tiên là thiếu hụt công nhân kỹ thuật cao, cả về số lượng, chất lượng.
Chúng ta không thể đi theo con đường lao động giá rẻ và đầu tư vốn lớn mà phải đi vào khoa học, công nghệ, năng suất, chất lượng lao động. “Nếu đi theo phương thức cũ, cứ sử dụng lao động phổ thông, thu nhập thấp thì chúng ta thất bại. Nên đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trở thành nhân tố quyết định đối với sự phát triển đất nước”, Thủ tướng nói.
Về vấn đề “ai sẽ phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật cao”, Thủ tướng nhìn nhận trước hết là Chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách và nơi đào tạo, các bộ, ngành, địa phương và công đoàn cũng phải chủ động trong vấn đề này. Công nhân phải tự học tự rèn. Doanh nghiệp tạo điều kiện và quan tâm. Tất cả phải chung tay vào làm công việc quan trọng này, tránh tình trạng mỗi người một hướng.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhân lực, nhất là việc tập trung đào tạo, phát triển đội ngũ công nhân, lao động thực hành giỏi, tay nghề cao, với mục tiêu Việt Nam phải phấn đấu vươn lên trở thành quốc gia khởi nghiệp, năng động, sáng tạo, là điểm đến tin cậy của các tập đoàn lớn, công nghệ cao. Cũng như các doanh nghiệp Việt Nam phát triển với tốc độ cao, chất lượng cao, năng suất cao từ nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương, chủ doanh nghiệp quan tâm đến 4 vấn đề thiết yếu của công nhân: lương và thu nhập, bảo đảo nhu cầu tối thiểu; nhà ở xã hội cho công nhân; môi trường làm việc, học tập; chỗ học tập và vui chơi cho con em của công nhân.
Thủ tướng nhận bản kiến nghị của công nhân tại cuộc đối thoại. |
Nhấn mạnh “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, Thủ tướng mong muốn công nhân phải tự học, tự rèn, học nữa, học mãi. Công nhân phải có khát vọng, hoài bão; khát vọng làm thay đổi cuộc sống. Cần vượt qua thói quen lãng phí thời gian như việc lướt web, chơi game và uống cà phê kéo dài, tránh xa tệ nạn xã hội, nhất là trong giới trẻ. Chúng ta phải dành thời gian rỗi cho việc đọc sách, trau dồi kiến thức, kỹ năng và các hoạt động có ích khác. Mỗi công nhân cần đặt ra kế hoạch cụ thể của riêng mình để phấn đấu, nhất là công nhân trẻ tuổi. Yêu cầu trước tiên đối với công nhân, đặc biệt là công nhân kỹ thuật cao, là phải có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động tốt, phải tự đào tạo, nâng cao tay nghề, tự cập nhật kiến thức. Internet và các công cụ học tập trực tuyến đã mở ra cơ hội tự học chưa từng có đối với mỗi người.
“Các bạn có tay nghề cao, có bàn tay vàng, có đầu óc sáng tạo thì mới có thể có thu nhập cao. Nếu không nâng cao trình độ thì khó có thể có thu nhập cao trong bối cảnh hội nhập hiện nay”, Thủ tướng nói.
Với giai cấp công nhân, cần rèn luyện bản lĩnh, giữ vững lập trường giai cấp; thể hiện trách nhiệm công dân đối với xã hội; tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định; nâng cao cảnh giác, không để bị lôi kéo, dụ dỗ vào những việc làm sai trái.
Đối với công đoàn các cấp, tiếp tục đổi mới phương pháp làm việc, cách thức tiếp cận, tương tác với công nhân. Không chỉ nắm tâm tư, nguyện vọng của công nhân mà công đoàn cần quan tâm đến hoàn cảnh gia đình họ, hậu phương của người công nhân. Công nhân nước ta phần lớn xa quê, xa nhà, công đoàn cần tìm giải pháp để có thể thay thế phần nào cho gia đình của họ, để tổ chức công đoàn trở thành gia đình thứ 2 của công nhân.
Đối với doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, trở thành những doanh nghiệp thông minh, cơ sở sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ số. Có chính sách đãi ngộ phù hợp để công nhân lao động kỹ thuật cao trở thành “đầu kéo phát triển” của doanh nghiệp, của địa phương, của đất nước.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, cần quan tâm đến chính sách tiền lương, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời có chính sách quan tâm đến đời sống người lao động.
Chính quyền địa phương ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động; tôn vinh, khen thưởng công nhân, lao động.