(Tổ Quốc) - Ngày 23/7, trong chương trình công tác tại Nghệ An, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh–Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, dâng hoa, dâng hương tại Đền Chung Sơn - nơi thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại núi Chung, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn và một số “địa chỉ đỏ” khác.
Tham gia đoàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương.
Thủ tướng dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn thành kính dâng hoa, dâng lễ, dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và Nhân dân ta, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, vì hòa bình và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và nhân dân trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng sự nghiệp vĩ đại, tấm gương cao đẹp của Người luôn sống mãi với non sông, đất nước Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các thành viên trong đoàn nguyện không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Người; tiếp tục nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên được thành lập từ năm 1956, là nơi lưu giữ những kỷ vật vô giá về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ghi dấu những kỷ niệm hai lần Bác Hồ về thăm quê (năm 1957 và năm 1961).
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng Khu Di tích Kim Liên là di tích quốc gia đặc biệt, trở thành một trong những di tích quốc gia có ý nghĩa nhất ở Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 962/QĐ-TTg về duyệt nhiệm vụ quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên.
Cùng ngày, Thủ tướng và đoàn công tác đã dâng hoa, dâng hương tại Đền Chung Sơn - nơi thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại núi Chung, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Tri ân các anh hùng, liệt sỹ hy sinh tại Truông Bồn
Cũng trong sáng 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích quốc gia Truông Bồn.
Địa danh Truông Bồn nằm trên Quốc lộ 15A thuộc địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 12/1/1996. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn là cung đường độc đạo, có vị trí chiến lược quan trọng, kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho miền Nam.
Để cắt đứt mạch máu giao thông của ta, từ năm 1964-1968, địch đã trút xuống khu vực Truông Bồn 18.936 quả bom các loại và hàng chục nghìn quả tên lửa, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân xã Mỹ Sơn, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương; phá hủy hàng trăm ô tô và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta.
Để bảo đảm tuyến đường thông suốt, các lực lượng đã không quản ngại gian khó, hiểm nguy, ngày đêm xả thân làm nhiệm vụ tại đây. Trong đó, lực lượng thanh niên xung phong là lực lượng chủ công với quyết tâm sắt đá "sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm", góp phần quan trọng bảo vệ con đường huyết mạch ra tiền tuyến lớn miền Nam.
Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ bị thương; 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh tại đây. Trong đó, tiêu biểu là sự hy sinh oanh liệt ngày 31/10/1968 của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An.
Truông Bồn đã trở thành huyền thoại, là địa chỉ đỏ và mảnh đất thiêng, là hình ảnh sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, biểu tượng của cuộc chiến tranh nhân dân với sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cuộc đời và sự nghiệp của các chị, các anh mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập và noi theo.
Thủ tướng và các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ hơn 1.200 anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trên cung đường huyết mạch 15A nối hậu phương lớn với tiền tuyến lớn miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng với các anh hùng liệt sĩ, các cựu thanh niên xung phong đã cống hiến tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước.