(Tổ Quốc) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị như vậy tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) diễn ra vào sáng 17/1.
Cụ thể, Thủ tướng đề nghị quan tâm đặc biệt đến người cô đơn, người nghèo, người có công, người không có nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, người lao động ở khu vực công nghiệp, người ở công trường, bệnh viện…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Thủ tướng lưu ý, “chúng ta lo phát triển nhưng phải lo vấn đề xã hội, nhất là những tỉnh có tỷ lệ đói nghèo còn cao, có số lượng đối tượng chính sách lớn và những nơi có người lao động tập trung”.
Biểu dương thành tích ngành LĐTB&XH đạt được, Thủ tướng cho rằng, cần nói thẳng một số tồn tại, bất cập bởi “khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ”. Chất lượng, hiệu quả trong một số lĩnh vực chưa được cải thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển như năng suất lao động thấp, thu nhập bình quân của người lao động thấp, việc làm chưa ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp còn cao, nhất là số sinh viên tốt nghiệp ở nhiều nơi chưa có việc làm. Quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài còn hạn chế. Tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp. Giảm nghèo chưa bền vững. Một số vấn đề như bạo hành trẻ em, đuối nước ở trẻ em còn gây bức xúc xã hội.
Thủ tướng đề nghị, ngành LĐTB&XH phải nghiêm túc đánh giá, tìm ra nguyên nhân, chủ động đề xuất phối hợp với các ngành, lĩnh vực liên quan, cùng vào cuộc, có biện pháp khắc phục để thực hiện tốt hơn trong năm tới. Đồng thời, triển khai quyết liệt Nghị quyết 01 của Chính phủ ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm.
“Bộ LĐTB&XH là Bộ hiện thân của lòng nhân văn của một Quốc hội, của một Chính phủ phục vụ nhân dân từ người lao động đến người có công cho đến những người dễ bị tổn thương”, Thủ tướng khẳng định. “Vậy những hồ sơ tồn đọng chờ xác minh, những dịch vụ công hỗ trợ người yếu thế, khó khăn, cần được cung cấp thế nào cho hiệu quả… Đó là một dấu hỏi đặt ra để thể hiện sự nhân văn này”.
Về một số nhiệm vụ cần tập trung, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án cải cách tiền lương, đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để trình Hội nghị Trung ương VII. Lương tối thiểu ở khu vực kinh doanh để bảo vệ người lao động là cần thiết nhưng cần tính toán kỹ và điều chỉnh định kỳ để vừa bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người lao động, vừa không đặt gánh nặng lớn lên doanh nghiệp.
Cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực, đó là chìa khóa để thoát bẫy thu nhập trung bình. Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia xây dựng trường nghề, cung cấp dịch vụ hướng nghiệp. Cần chuyển mạnh từ cấp kinh phí sang đặt hàng đào tạo nghề.
Tăng cường quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập cao. Tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo. Cần nâng dần tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị khi để xảy ra bạo lực, bạo hành đối với trẻ em, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tiếp tục cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, giảm và loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân. “Tôi đã đi nhiều địa phương, người dân tới trụ sở các đồng chí để giải quyết thủ tục không phải đơn giản đâu. Đi vừa xa, vừa chờ đợi. Các đồng chí xem lại các phòng của các Sở này đã làm việc đến nơi, đến chốn chưa”, Thủ tướng nói và yêu cầu kỷ luật, xử lý nghiêm cá nhân gây phiền hà, nhũng nhiễu.
Trong bối cảnh nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các điều khoản về lao động công đoàn, Thủ tướng nhấn mạnh, cần nắm tình hình công nhân và người lao động sát hơn nữa, quan tâm đến quyền lợi chính đáng, nhất là các thiết chế văn hóa cần thiết cho người lao động.