(Tổ Quốc) - Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lào Cai chủ trì triển khai việc xây dựng lại, khôi phục bản Làng Nủ, nếu thiếu gì thì báo cáo Chính phủ; vận dụng cơ chế trong trường hợp đặc biệt để xử lý các vấn đề liên quan, như huy động lực lượng công binh xây dựng lại bản làng.
Chiều 12/9, ngay sau khi kết thúc chương trình làm việc tại Yên Bái, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Lào Cai để thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân.
Gặp thân nhân các gia đình tại hiện trường vụ sạt lở tại bản Làng Nủ, Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc nhất với nỗi đau của các gia đình. Ông nêu rõ các lực lượng chức năng đang tập trung, nỗ lực cao nhất để tìm kiếm các nạn nhân trong vụ lũ quét tại đây.
Nói với Thủ tướng, một người dân cho biết, sau trận lũ quét đã được chính quyền địa phương lo hậu sự, thức ăn, quần áo đầy đủ. Nhưng hiện giờ nhiều gia đình không còn gì nữa, mong Nhà nước giúp đỡ về đất đai, nhà cửa ở nơi an toàn.
Báo cáo trong cuộc làm việc nhanh sau đó tại nhà văn hóa thôn Làng Nủ - ngay cạnh hiện trường vụ sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho hay khu vực sạt lở, có 37 hộ/158 nhân khẩu. Trong 158 nhân khẩu có 84 nam và 74 nữ; dưới 16 tuổi là 18 người; trên 16 tuổi 14 người.
Trong đó, có 2 hộ mất hết cả gia đình là 1 hộ 4 người và 1 hộ 2 người. Tổng số 95 người thiệt mạng, mất tích và thời điểm Thủ tướng vào, đã tìm kiếm thêm được 1 nạn nhân nam. Đến nay còn 51 người mất tích.
Hiện công tác tìm kiếm đang được tích cực triển khai. Đến nay có 17 người bị thương, trong đó có 5 người chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, 3 trường hợp chuyển lên bệnh viện Việt Đức. Có một số trường hợp tiên lượng rất nặng.
Với 95 người thiệt mạng, mất tích, Chủ tịch tỉnh Lào Cai nhận định đây là vụ việc rất khủng khiếp, chưa bao giờ xảy ra. Lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai cho biết thêm cùng với sự phối hợp của các bộ, ngành, Quân khu 2 đã huy động lực lượng lớn tham gia tìm kiếm, cứu hộ.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng thay mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi lời chia sẻ, thăm hỏi với nhân dân vùng bão lũ, đồng thời, gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới những gia đình, người thân có người tử vong, mất tích trong trận lũ lụt, trôi mất gần như cả bản này.
Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các bộ, cơ quan, lực lượng liên quan tập trung 7 nhiệm vụ trọng tâm trong khắc phục hậu quả vụ sạt lở, ổn định đời sống nhân dân.
Theo đó, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa, chăm sóc y tế những người bị thương, bị bệnh; dọn dẹp vệ sinh, môi trường, phòng chống dịch bệnh; khôi phục lại giao thông với tinh thần Trung ương lo đường lớn, tỉnh lo tỉnh lộ, huyện lo huyện lộ, xã lo xã lộ; nhanh chóng khôi phục trường lớp để các cháu trở lại trường sớm nhất có thể; khôi phục sản xuất kinh doanh, việc làm sinh kế cho người dân, nắm chắc tình hình, những khó khăn của người dân để giải quyết.
Thủ tướng cũng yêu cầu khảo sát, quy hoạch địa điểm an toàn với sự tham gia ý kiến khoa học của các cơ quan chuyên môn, để xây dựng lại, khôi phục bản Làng Nủ, bảo đảm các hộ dân có nơi ở an toàn với hạ tầng phù hợp, chậm nhất 31/12/2024 phải hoàn thành, tỉnh Lào Cai chủ trì triển khai, nếu thiếu gì thì báo cáo Chính phủ; vận dụng cơ chế trong trường hợp đặc biệt để xử lý các vấn đề liên quan, như huy động lực lượng công binh xây dựng lại bản làng.
"Đến ngày 31/12, tất cả người còn sống, các hộ dân phải có chỗ ở, nơi sinh sống ổn định, có điện nước, nơi vui chơi, cây xanh... đảm bảo môi trường sống an toàn, lành mạnh. Không để ai bị đói, rét, thiếu ăn thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cảm ơn bà con đã chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp; cảm ơn các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tích cực triển khai nhiệm vụ; các cơ quan báo chí – truyền thông đã tích cực thông tin về thiên tai và hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó thiên tai.
Thủ tướng cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị tích cực tham gia chăm lo đời sống cho người dân trong khu vực này.
Tăng cường công tác vận hành, điều tiết hồ chứa thủy điện, đảm bảo an toàn hệ thống đê
Ngày 12/9, Thủ tướng đã ký Công điện 94/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện ở các tỉnh phía Bắc nhằm đảm bảo an toàn các hệ thống đê và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do ngập, lụt tại vùng hạ du.
Để góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng của mưa, lũ, ngập lụt đến cuộc sống, sản xuất cho người dân vùng hạ du và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình hồ chứa thủy điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh nêu trên chỉ đạo các chủ sở hữu, đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện thực hiện quan trắc, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến mưa, lũ trên lưu vực; tập trung vận hành điều tiết hồ chứa (nhất là đối với hệ thống hồ chứa thủy điện trên sông Đà, trong đó có hồ chứa thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) một cách chủ động, khoa học, linh hoạt để cắt, giảm, làm chậm lũ về hạ du (trong đó có lũ trên sông Hoàng Long tại Ninh Bình), đồng thời đảm bảo an toàn cho công trình và tuân thủ nghiêm Quy trình vận hành liên hồ chứa;
Trong quá trình vận hành thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng của địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để kịp thời chỉ đạo trong các trường hợp khẩn cấp;
Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khu vực hạ du đập, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc thông báo, cảnh báo đến người dân vùng hạ du về diễn biến lũ, việc vận hành điều tiết lũ để người dân biết chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc công điện này.