(Tổ Quốc) - Thủ tướng lưu ý các cơ quan thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, không giật cục, không cầu toàn, không nóng vội.
Sáng 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những đóng góp của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty vào những thành tựu, kết quả chung của cả nước năm 2023, nhất là về tăng trưởng GDP, quản trị doanh nghiệp và đặc biệt là bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không say sưa, thỏa mãn, chủ quan với những thành tựu, kết quả đã đạt được. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, như còn có những vướng mắc về cơ chế, chính sách; đầu tư cho phát triển còn hạn chế, tỉ lệ giải ngân đầu tư công thấp hơn bình quân chung cả nước; đóng góp cho tăng trưởng GDP chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; hiệu quả đầu tư kinh doanh chưa cao.
Thời gian tới, Thủ tướng dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Các tập đoàn, tổng công ty nắm giữ nguồn lực lớn, thực hiện sứ mệnh lớn phải làm ăn có lãi, đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng GDP và ngân sách Nhà nước. Yêu cầu của năm 2024 với cả nước và với các tập đoàn, tổng công ty phải đạt kết quả cao hơn năm 2023.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động và nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty trong thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ 8 nội dung chủ yếu về các quan điểm quản lý, điều hành và các nhóm nhiệm vụ lớn với hoạt động của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty thời gian tới.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nắm chắc tình hình thực tiễn, cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, dự án, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Cùng với đó, tập trung sửa đổi và đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các luật, nghị định, thông tư có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về pháp lý, nhất là liên quan lĩnh vực giá, môi trường, tài nguyên, đất đai…, cụ thể như Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính hoạt động khoa học và công nghệ... Tinh thần là phân cấp, phân quyền nhiều hơn đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung thúc đẩy đầu tư phát triển, khắc phục bằng được hạn chế trong vấn đề này, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 đột phá chiến lược của đất nước (thể chế, hạ tầng nhân lực), làm mới 3 động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và bổ sung các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ)…
Thủ tướng cũng yêu cầu tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty theo các kế hoạch đã được phê duyệt; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy tinh thần tấn công mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm..; không ngừng phát huy truyền thống, lịch sử phát triển qua nhiều năm của mỗi doanh nghiệp, tạo khí thế mới, động lực mới, kết quả mới, thắng lợi mới...
Thủ tướng cho rằng các bộ, ngành, Ủy ban đã có nhiều kinh nghiệm hơn, phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các đề xuất của doanh nghiệp trên tinh thần tất cả vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của các tập đoàn, tổng công ty; không đùn đẩy, né tránh, không phiền hà, sách nhiễu, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.
Giao các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ như các tập đoàn, tổng công ty mà nòng cốt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam không được để thiếu điện; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bảo đảm đủ dầu, khí theo kế hoạch; Tập đoàn Than – Khoáng sản bảo đảm đủ than trên cơ sở kế hoạch dài hạn; Tổng Công ty Thép xử lý dứt điểm dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (TISCO 2); Vietnam Airlines cắt lỗ, xử lý các vấn đề tồn đọng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam không để thiếu xăng dầu…
Thủ tướng lưu ý các cơ quan thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, không giật cục, không cầu toàn, không nóng vội; Bộ Công Thương cải tiến lại cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng đơn giản, dễ kiểm tra, giám sát…
Về nhân sự, Thủ tướng yêu cầu bố trí đúng, trúng con người trên cơ sở căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, minh bạch.
Thủ tướng một lần nữa yêu cầu thành tích, kết quả chung của các tập đoàn, tổng công ty phải năm sau phải cao hơn năm trước, cụ thể là hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, đóng góp cho ngân sách, cho tăng trưởng phải cao hơn năm 2023, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tốt hơn, đóng góp cho an sinh xã hội nhiều hơn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại cuộc sống ngày càng hạnh phúc, ấm no của nhân dân.