(Tổ Quốc) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 995/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nguồn Văn phòng Chính phủ |
Theo đó, Thủ tướng giao các Bộ lập 39 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong các lĩnh vực: Kết cầu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng có 27 quy hoạch như: Quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, cảng hàng không, sân bay; Quy hoạch tổng thể về năng lượng; Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội; Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế... do các Bộ: Giao thông vận tải, Tài Nguyên và Môi trường, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Xây dựng tổ chức lập.
Trong sử dụng tài nguyên, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an được giao nhiệm vụ lập 10 quy hoạch như Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lâm nghiệp...
Quy hoạch bảo vệ môi trường và Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường lập.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ được giao nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch, tổ chức lập Quy hoạch ngành quốc gia theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và văn bản hướng dẫn thi hành, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong quá trình tổ chức lập Quy hoạch ngành quốc gia, nhằm đảm bảo tính thống nhất của quy hoạch ngành quốc gia với các quy hoạch cấp quốc gia quy định tại Luật Quy hoạch.
Trường hợp đặc biệt bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền
Chính phủ vừa ban hành nghị định 104/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; trong đó quy định cụ thể về trường hợp đặc biệt bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.
Nghị định nêu rõ, trong trường hợp quá độ tuổi bổ nhiệm thông thường, người được tiến cử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền được xem xét bổ nhiệm căn cứ yêu cầu đối ngoại, địa bàn công tác, năng lực, uy tín cá nhân.
Việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền trong trường hợp đặc biệt phải bảo đảm chặt chẽ, khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định.
Khi được bổ nhiệm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền thực hiện đầy đủ nhiệm kỳ công tác theo quy định của pháp luật về cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đối với từng trường hợp cụ thể.
Nghị định cũng quy định điều kiện cụ thể đối với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền được bổ nhiệm trong trường hợp đặc biệt nếu đáp ứng các tiêu chí về năng lực, uy tín sau: Có kiến thức, hiểu biết sâu rộng về quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận; có uy tín, kinh nghiệm và năng lực vượt trội trong lĩnh vực đối ngoại.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền được bổ nhiệm trong trường hợp đặc biệt nhằm thực hiện một trong các yêu cầu đối ngoại: 1- Thúc đẩy một hoặc một số lĩnh vực hợp tác đặc biệt quan trọng về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế trong quan hệ giữa Việt Nam với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận. 2- Xử lý một hoặc một số vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc đến lợi ích của Việt Nam trong quan hệ giữa Việt Nam với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.
Địa bàn công tác trong trường hợp đặc biệt bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền bao gồm một trong các địa bàn: Quốc gia láng giềng hoặc thuộc khu vực Đông Nam Á; Quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, Liên hợp quốc hoặc địa bàn có tầm quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, phù hợp với yêu cầu đối ngoại trong từng thời kỳ./.
Vi Phong