(Tổ Quốc) - Trưa 28/4, trong chương trình công tác tại Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát, tìm hiểu tình hình hạn hán, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh, khảo sát việc vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi hạn.
Nước là vấn đề khó khăn nhất, điểm nghẽn lớn nhất với Ninh Thuận
Cách đây 2 năm, tháng 4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tới khảo sát hệ thống thủy lợi Tân Mỹ của Ninh Thuận. Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có tổng vốn đầu tư 5.951 tỷ đồng, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.
Với khí hậu khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh, lượng mưa chỉ khoảng 700-800 mm một năm, Ninh Thuận được xem là vùng khô hạn nhất cả nước, mùa khô kéo dài 9/12 tháng trong năm.
Những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm thoát khỏi khô hạn bằng cả giải pháp công trình, phi công trình, sử dụng tiết kiệm nước, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh này hầu như không mưa, ngày nắng kéo dài.
Theo tỉnh Ninh Thuận, có nguy cơ xảy ra hạn hán thiếu nước cục bộ tại các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam; khả năng xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn cục bộ vào sâu trong sông từ 0,5 đến 1,5 km, riêng sông Cái Phan Rang từ 4 đến 6 km.
Đến ngày 25/4/2024, dung tích trữ tại 23 hồ chứa trên địa bàn tỉnh là 165,11 triệu m3 đạt 39,5% so với dung tích thiết kế (thấp hơn cùng kỳ năm 2022 là 14,7% và năm 2023 là 20,4%). Hiện nay, có 2/23 hồ đã hết nước, có 3/23 hồ đã xuống dưới mực nước chết; sẽ có 4/23 hồ trong thời gian tới sẽ hạ thấp tới mực nước chết.
Từ nay đến tháng 5/2024 nếu trên địa bàn tỉnh không có mưa thì 6 khu vực sẽ thiếu nước sinh hoạt với 5.288 hộ/17.503 khẩu. Do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, không có mưa nên vụ Hè Thu sẽ sản xuất theo phương án với tổng diện tích hơn 23.460 ha chỉ đạt 75,6% so với vụ Hè Thu năm 2023 (31.050 ha).
Trên công trường dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Thuận tiếp tục quy hoạch lại hệ thống hồ thủy lợi, khai thác liên thông, dẫn nước giữa các hồ để điều tiết, sử dụng nước hài hòa, phù hợp, hiệu quả, cố gắng khắc phục vấn đề khô hạn trong năm 2025. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tập trung nguồn lực trọng tâm, trọng điểm vào phát triển các hồ thủy lợi.
Theo Thủ tướng, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm nước canh tác, sản xuất và sinh hoạt của người dân của tỉnh Ninh Thuận trên diện tích 7.000 ha và cả phía nam Khánh Hòa, bắc Bình Thuận, nhất là kịp thời ứng phó cao điểm khô hạn trong tháng 5, tháng 6 tới đây.
Dưới trời nắng như đổ lửa, Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên người lao động đang thi công dự án và tìm hiểu tình hình hạn hán, đời sống, hoạt động canh tác của người dân.
Trao đổi với bà con nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hiện bà con chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp, cần đổi mới theo hướng sản xuất lớn, liên kết theo mô hình hợp tác xã, vận dụng các quy định mới của Luật Hợp tác xã, Luật Đất đai, xây dựng chuỗi cung ứng, sản xuất về các ngành hàng có lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu, huy động sự tham gia của doanh nghiệp để hỗ trợ sản phẩm đầu vào và đầu ra, sự tham gia của ngân hàng để hỗ trợ về vốn, từ đó mang lại hiệu quả, giá trị cao hơn.
Bà con cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cá nhân Thủ tướng với tỉnh Ninh Thuận và người dân, đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi để bảo đảm cung cấp nước trên địa bàn.
Thủ tướng cho rằng nước là vấn đề khó khăn nhất, điểm nghẽn lớn nhất với Ninh Thuận, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, tháo gỡ và mong bà con cùng tham gia, góp sức để giải quyết vấn đề này cho Ninh Thuận.
Ninh Thuận cần ưu tiên phát triển các lĩnh vực tiềm năng như du lịch
Trước đó, sáng cùng ngày, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Thủ tướng đã dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận với chủ đề "Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt".
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Ninh Thuận cần chú trọng tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tạo đột phá vào các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững).
Cùng với đó, tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, kết nối thị trường.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...); đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ninh Thuận nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương triển khai hiệu quả Quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Điều phối, quản lý hiệu quả, bảo đảm liên kết, thống nhất và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu.
Phát huy hiệu quả 3 vùng động lực; ưu tiên nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển. Phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế với các địa phương trong vùng Nam Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên.
Quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (yếu tố con người là quyết định, phải có chính sách ưu tiên phát triển con người), nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh như du lịch, năng lượng tái tạo…
Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải phổ biến sâu rộng Quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng.