(Tổ Quốc) -Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn với các vấn đề về thị trường cho nông sản Việt.
Trước câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về giải cứu thịt lợn thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, hiện nay thịt lợn đang thừa với hai nguyên nhân: sản xuất tăng trưởng quá nhanh, bột phát và “rổ” thực phẩm đã thay đổi cơ cấu. Trước đây, thịt lợn chiếm tới 70-75% trong bữa ăn thì giờ đây thay vào đó là nhiều thực phẩm khác như sữa, trứng, thịt bò… dẫn tới dư thừa tạm thời thịt lợn.
Ngoài ra, việc tổ chức ngành hàng hiện nay chưa tốt, mặc dù số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm nhưng vẫn còn vài triệu hộ; việc chế biến vẫn còn chưa kết nối được với sản xuất (số có liên kết chỉ khoảng 20%…). Hiện vẫn còn tới 90% thịt lợn tiêu thụ theo cách truyền thống, bán ở phản thịt, không phù hợp với sản xuất lớn.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường. |
Trong khi đó, việc tổ chức thị trường thịt lợn xuất khẩu vẫn còn ở mức khiêm tốn, mới đạt 120 ngàn tấn.
Khẳng định, cơ quan chức năng đã tận dụng tối đa cơ hội tìm kiếm thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các chuyến công tác luôn chú ý điều này. “Thủ tướng rất quan tâm, khi Thủ tướng bàn việc với Thủ tướng Nhật Bản thì nếu họ đưa cho ta táo, ta đưa cho họ thanh long. Với Mỹ cũng vậy… Chính phủ, các bộ sẽ phối hợp đánh giá, làm tốt hơn để tìm kiếm thị trường cho nông sản Việt”- Bộ trưởng nói.
Đại biểu Nguyễn Sơn, Hà Tĩnh đặt câu hỏi về phá vỡ quy hoạch chăn nuôi lợn hiện nay. |
Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng, một đoàn tàu phát triển mà mới làm được 1 khoang, còn 2 khoang thì đó là trách nhiệm của 2 khoang còn lại.
Liên quan tới phát triển thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ thêm, chúng ta đã làm tốt khâu đầu mở cửa thị trường. Nhưng điều quan trọng là các hàng rào kỹ thuật chúng ta chưa đáp ứng được. Ví dụ tại Trung Quốc, họ yêu cầu đàn lợn xuất của chúng ta không được nằm trong vùng có dịch lở mồm long móng… Việt Nam cần phối hợp với các tổ chức quốc tế để đánh giá chất lượng nông sản và tổ chức lại quy hoạch để có sản phẩm có lợi thế cạnh tranh với nông sản các nước khác…/.
Song Đào, Ảnh: Nam Nguyễn