• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng khuyến khích TP Hồ Chí Minh thúc đẩy kinh tế ban đêm

Thời sự 20/07/2020 20:06

(Tổ Quốc) - Thủ tướng lưu ý, quan trọng nhất là kích cầu tiêu dùng bởi TP Hồ Chí Minh là trung tâm tiêu dùng của cả nước, kích cầu tiêu dùng của Thành phố sẽ giúp kích cầu cho cả nước, lan tỏa cả nước.

Thủ tướng khuyến khích TP Hồ Chí Minh thúc đẩy kinh tế ban đêm - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc làm việc - Nguồn: VGP

Chiều 20/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP Hồ Chí Minh về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của lãnh đạo Thành phố “đã tập trung nhiều công sức để xây dựng thể chế, có nhiều cố gắng trong chỉ đạo”. 

Thủ tướng Chính phủ cho biết, tại cuộc làm việc, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành sẽ cùng TP Hồ Chí Minh tháo gỡ cho các dự án bị ách tắc, chậm, trì trệ, chưa giải quyết được với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không để thất thoát tài sản Nhà nước, không để tham ô, tham nhũng xảy ra và mở rộng cơ chế tạo thuận lợi cho TP Hồ Chí Minh triển khai.

Việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư công, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là để làm sao TP Hồ Chí Minh vượt lên, đạt mức tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành sẽ cùng TP Hồ Chí Minh  xử lý các vấn đề đặt ra đối với đầu tư Nhà nước và đầu tư tư nhân, kể cả đầu tư ODA.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tóm tắt kết quả phân bổ giải ngân đầu tư công cũng như những khó khăn vướng mắc.

Năm 2020, TP Hồ Chí Minh đã giao và phân bố chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công với tổng số vốn là hơn 41 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách TPHCM là hơn 33 nghìn tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là hơn 7 nghìn tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/7, khối lượng giải ngân đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng (đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao), nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán (1.470 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 48,7% kế hoạch vốn đã giao.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xem việc thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm.

Theo đó, sẽ lập danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng trường hợp; thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc.

Mặc dù hiện nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP Hồ Chí Minh cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc nhưng trong quá trình thực hiện vừa qua, thành phố cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc”- Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nói và nêu ra nhiều kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết đế đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm đóng góp cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của thành phố thời kỳ sau dịch COVID-19.

Các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc cho rằng, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của đất nước; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, giữ vị trí chính trị quan trọng của cả nước.

Trong nhiều năm qua, Thành phố đã luôn phát triển năng động, sáng tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng; khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của Thành phố đối với khu vực phía Nam và cả nước.

Dù vậy, một số ý kiến cho rằng, việc triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm còn chậm (đường sắt đô thị). Công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc huy động nguồn lực xã hội trong một số lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn…

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành đã cho ý kiến đối với các kiến nghị của TP Hồ Chí Minh về 12 dự án, vấn đề gồm tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên, dự án tuyến Metro 2, thủ tục liên quan trong việc chuyển đổi dự án từ đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công, thủ tục thanh toán dự án BT bằng tiền tại thời điểm quyết toán, dự án đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, việc bổ sung công trình xây dựng 4 cầu; nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT Xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc-Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm...

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Thành phố sẽ hoàn thành 100% nhiệm vụ giải ngân đầu tư công trong năm nay. Theo đó, UBND Thành phố sẽ tổ chức giao ban cứ 2 tuần một lần về giải ngân đầu tư công, mỗi tháng sẽ đi giám sát thực địa. Thành phố sẽ nỗ lực tối đa, tận dụng mọi cơ hội để phát triển.

Cơ bản nhất trí với các kiến nghị của TPHCM, Thủ tướng nêu rõ tinh thần Trung ương ủng hộ TPHCM phát triển xứng tầm.

Chỉ còn khoảng 25 tuần nữa là kết thúc năm 2020, Thủ tướng cho rằng, còn nhiều vấn đề lo lắng, còn chậm, nhất là một số công trình giao thông, nhiều dự án tư nhân đầu tư ở Thành phố chậm, đặc biệt là các dự án bất động sản, phát triển đô thị… Vấn đề này cần nhận diện rõ để thúc đẩy mạnh mẽ.

Do vị trí, vị thế, vai trò của Thành phố đối với cả nước, TP Hồ Chí Minh không được chậm trễ, đặc biệt, các cấp, các ngành của Thành phố, các quận không được trì trệ, không những chỉ đạo quyết liệt mà các sở, ngành, quận, huyện phải nâng cao tính năng động, sáng tạo, bám công việc, tập trung sức lực, huy động hệ thống chính trị vào cuộc để đạt kết quả cụ thể trong những vấn đề khó khăn như giải phóng mặt bằng.

Muốn tăng trưởng thì cần đầu tư, cả đầu tư Nhà nước và tư nhân. Do đó, cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư, giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Để giải quyết vấn đề thúc đẩy đầu tư tư nhân thì 2 yêu cầu lớn đặt ra: Không để thất thoát tài sản Nhà nước và không để tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra. 

"Nếu chúng ta chậm, không đầu tư phát triển, không giải quyết việc làm và thu nhập thì khó có tăng trưởng, phát triển", Thủ tướng nói và nhấn mạnh: Nếu không giữ doanh nghiệp, không phát triển hệ thống doanh nghiệp thì sẽ đổ vỡ, ảnh hưởng đến xã hội. Đây là nguy cơ trực tiếp đối với các thành phố lớn có tỉ lệ cơ cấu ngành dịch vụ, du lịch lớn trong cơ cấu GDP.

Thủ tướng khuyến khích TP Hồ Chí Minh thúc đẩy kinh tế ban đêm - Ảnh 2.

Nguồn: VGP

Để thúc đẩy TPHCM có mức tăng trưởng tốt hơn trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng lưu ý, quan trọng nhất là kích cầu tiêu dùng bởi TPHCM là trung tâm tiêu dùng của cả nước, kích cầu tiêu dùng của Thành phố sẽ giúp kích cầu cho cả nước, lan tỏa cả nước. 

Ngoài ra, Thành phố phải hướng mạnh mẽ vào lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ bất động sản, dịch vụ tài chính ngân hàng, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ du lịch khi mà dịch vụ chiếm trên 60% GDP. Theo tính toán, cứ 4 tiếng đồng hồ thêm về kinh tế ban đêm thì đóng góp từ 5-8% GDP của Thành phố, cho nên, cần tăng cường tổ chức kinh tế ban đêm, bảo đảm an ninh trật tự cho kinh tế ban đêm.

"Tôi đề nghị các đồng chí phải thúc đẩy rõ hơn kinh tế ban đêm", Thủ tướng nói. 

Bên cạnh đó, thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân là một kênh tăng trưởng rất lớn.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại việc dù khó khăn đến đâu nếu có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tập trung nguồn lực, kiên trì đeo bám, kịp thời xử lý những bất cập phát sinh, sáng tạo giải pháp thì đều đạt được thành công.

Thủ tướng khuyến khích TP Hồ Chí Minh thúc đẩy kinh tế ban đêm - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Cách - Nguồn: VGP

Cùng ngày, nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Cách, sinh năm 1927, trú tại phường Phạm Ngũ Lão; ông Trần Văn Đủ, sinh năm 1950, thương binh hạng ¼ trú tại phường Nguyễn Cư Trinh; bà Nguyễn Thị Bé, sinh năm 1957, vợ liệt sĩ tại phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, TPHCM.

Hà Giang (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ