(Toquoc)- “Việc bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn..."
(Toquoc)- “Việc bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn. Cơ cấu thu, chi chưa phù hợp, bội chi ngân sách còn cao. Tuy vẫn bảo đảm trong giới hạn an toàn theo quy định nhưng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn…
Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2015 với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững” diễn ra sáng 5/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, việc bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn.Cơ cấu thu, chi chưa phù hợp, bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5 GDP. Tuy vẫn bảo đảm trong giới hạn an toàn theo quy định nhưng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí.
“Đóng góp của khu vực kinh tế trong nước vào tăng trưởng xuất khẩu thấp. Chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa đồng bộ, thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Diễn đàn đối tác phát triển 2015 (ảnh: Đức Anh)
Chia sẻ với các đại biểu, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ đến từ nhiều quốc gia, Thủ tướng cũng thừa nhận kinh tế phục hồi còn chậm. Tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,88% là thấp hơn 5 năm trước và chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực còn lớn. Tổng cầu tăng chậm, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, thể chế kinh tế thị trường chưa thực sự là động lực tạo đột phá để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực…
Nhận xét về tình hình phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2015, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho biết, kế hoạch năm năm vừa qua bắt đầu trong bối cảnh tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng, làm cho mặt trái của chính sách kích cầu nền kinh tế bộc lộ rõ hơn.
“Kinh tế vĩ mô mất ổn định, lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng đề nghị các đại biểu, các đối tác phát triển và các nhà tài trợ thảo luận thẳng thắn về những điều làm được, chưa làm được, nhất là những mục tiêu trong giai đoạn tới để bổ sung, cập nhật vào chiến lược, kế hoạch năm năm tới.
Theo đó, những ý kiến đóng góp hợp lý sẽ được nghiên cứu, cập nhật, bổ sung vào các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XII và kế hoạch 2016-2020 và sẽ trình Quốc hội vào tháng 3/2016.
Tại Diễn đàn, bà Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong 5 năm qua, đồng thời nêu lên một số vấn đề lớn, trong đó, thách thức về năng suất lao động giảm dần đang là vấn đề đáng quan ngại.
“Mức tăng năng suất lao động Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu thế giảm, trong khi mức tăng năng suất lao động tại Trung Quốc là trên 7%, tại Hàn Quốc là trên 5% vào thời điểm các nước đó ở cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay. Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quỹ đạo như các quốc gia trên", bà Kwakwa cảnh báo.
Đại biểu trao đổi tại diễn đàn (ảnh: Q.Anh)
Việt Nam phải nỗ lực để huy động các nguồn tài trợ?
Trước những thách thức nói trên, Giám đốc WB tại Việt Nam đã nêu câu hỏi: Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong năm năm tới?
Bà Kwakwa phân tích, hiện nay, khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính. Trong khi đó, tỉ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP đã thể hiện xu thế giảm trong 5 năm qua, từ 27% xuống còn 21%.
Vì thế, đại diện này cho rằng, tăng cường huy động nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ. Cùng với đó, nguồn vốn ODA cũng phải được sử dụng hiệu quả hơn nhằm thu hút vốn tư nhân.
Ngoài ra, các vấn đề khác như: môi trường, tình trạng đói nghèo và phúc lợi xã hội, năng lực giải trình của Chính phủ… đòi hỏi Nhà nước phải có năng lực và trách nhiệm giải trình cao hơn thì mới quản lý được.
Vấn đề mấu chốt là phải có một bộ máy hành chính công chuyên nghiệp, bởi quá trình cải cách hành chính công kéo dài của Việt Nam cho đến nay vẫn chưa thấy kết quả rõ nét.
“ODA đến với Việt Nam đang ngày càng hạn chế. Vì thế, các bạn phải xem lại mình thì mới có thể tận dụng được các cơ hội trong năm năm tới cũng như có thể huy động được các nguồn tài trợ chính cho phát triển. Điều này phụ thuộc vào các cải cách của các bạn.”, đại diện WB tại Việt Nam khuyến cáo.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các báo cáo, ý kiến xây dựng thiện chí, thiết thực đồng thời cho biết sẽ ghi nhận, tiếp thu các ý kiến hợp lý.
Thủ tướng cũng khẳng định sẽ cùng các Phó Thủ tướng của Việt Nam sẵn sàng đối thoại, trao đổi ý kiến về các vấn đề mà các đối tác quan tâm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, nhiệm kỳ 2016-2020, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam xác định sẽ phải đối mặt và vượt qua nhiều thách thức không nhỏ.
Về mục tiêu trong năm năm tới, Việt Nam sẽ phải phát triển kinh tế một cách bền vững hơn trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô và không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, đa dạng hoá hình thức sở hữu nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, đồng thời nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ…
“Việt Nam sẽ huy động các nguồn lực của xã hội, tư nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Hội nhập sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn. Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của dòng chảy đầu tư quốc tế, giúp tăng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất và phân phối toàn cầu. Đặc biệt, các Hiệp định FTA có thuế suất giảm về gần 0% đối với hầu hết hàng hoá, dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn…cũng như tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh tại Diễn đàn./.
Quỳnh Anh