(Tổ Quốc) - Ngày 15-1-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Cùng ngày, phát biểu tại hội nghị tổng kết của Bộ, Thủ tướng đã khen Bộ Công Thương cải cách hành chính bộ máy, cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất, thuận lợi nhất và đề nghị “cho một tràng vỗ tay biểu dương sự cố gắng này, quyết tâm chính trị của Bộ Công Thương”.
Quyết định lịch sử thành hiện thực
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị tổng kết của Bộ Công Thương. |
Nghị định sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký 15-1, được kết cấu thành 9 chương, 19 điều. Trong đó, sẽ sửa đổi, bãi bỏ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; sản xuất, kinh doanh thuốc lá; lĩnh vực điện lực;lĩnh vực nhượng quyền thương mại; lĩnh vực thương mại điện tử; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hóa chất; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;lĩnh vực kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương...
“Cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị BCHTW lần 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, điểm 2 Mục II về Những nhiệm vụ chủ yếu có yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương “Tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến ½ số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý...”. Nghị định cũng nhằm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020” -Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho trong tờ trình gửi Chính phủ,
Theo đó, dự kiến có khoảng 55,5% trên tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương đã được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa trong 16 ngành, nghề thuộc Phụ lục IV Luật Đầu tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương bao gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, với hiện trạng các văn bản quy phạm pháp luật trên, Bộ Công Thương nhận thấy việc xây dựng một Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương là cần thiết, cấp bách nhằm góp phần hiện thực hóa ngay, kịp thời chủ trương của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Với 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được đưa ra trong phương án cắt giảm, bộ Công Thương đánh giá đây là con số chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương, con số này cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện, chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện kinh doanh.
Thủ tướng biểu dương quyết tâm chính trị “đổi mới nhất”
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. |
Trước đó, phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Có lẽ Bộ Công Thương làm tốt nhất theo bình luận của chúng tôi. Bỏ nhiều quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính của Bộ Công Thương đã được dở bỏ như Thông tư 37, thông tư 40. Ban hành mới thông tư 24, rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng. Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 36 thay Thông tư số 07, quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng. Bộ Công Thương cũng ký ban hành Thông tư số 4846 phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, tương đương với đơn giản hóa 27,8% tổng thủ tục hành chính hiện có. Đơn giản hóa gần 30% thủ tục trong một Bộ quản lý nhà nước là rất lớn trong thời gian rất ngắn .
Cuối tháng 12 vừa rồi Bộ Công Thương đã Khai trương Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến, theo đó tích hợp các dịch vụ công mức độ 3 và 4 của Bộ tại một cửa duy nhất, tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện khai báo hồ sơ trực tuyến tại Bộ Công Thương. Cổng dịch vụ công trực tuyến này là đầu mối duy nhất kết nối Bộ Công Thương trong liên thông dịch vụ công quốc gia.
Ngày 4/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo để chúng ta điều hành vấn đề này sát thị trường hơn. Đây là điểm nhấn trong cải cách hành chính bộ máy, cải cách thủ tục hành chính của các bộ, ngành Trung ương để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất, thuận lợi nhất.
Riêng điểm này chúng tôi đề nghị các đại biểu cho một tràng vỗ tay biểu dương sự cố gắng này, quyết tâm chính trị này của Bộ Công Thương.
Hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu trong bối cảnh nước ta như vậy nhưng vẫn tăng 8,6%, xuất siêu gần 2,7 tỷ USD đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán. Đặt biệt, Việt Nam đã tăng 14 bậc, đứng thứ 173/139 quốc gia trong báo cáo thương mại toàn cầu 2016 của Diễn đàn kinh tế thế giới. Nhất là việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho mọi đối tượng. Tham nhũng, cửa quyền của Bộ Công Thương đã hạn chế đến mức thấp nhất.
“Cải cách mạnh mẽ như vậy của Bộ Công Thương, đặc biệt tại 54 Hai Bà Trưng - trụ sở Bộ Công Thương, các đồng chí đã đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, quyết tâm đổi mới, tốt nhất, cao nhất, đổi mới nhất” – Thủ tướng khẳng định./.
PV