• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: Làm bằng được 544 km cao tốc ở ĐBSCL trong nhiệm kỳ này

Thời sự 31/01/2023 08:01

(Tổ Quốc) - Chiều 30/1, tại Cần Thơ, sau khi đi kiểm tra hiện trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các bộ, ngành, địa phương để kiểm điểm, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL, nhất là vấn đề nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án.

Đây là hoạt động cuối cùng trong chuyến công tác đầu Xuân Quý Mão của Thủ tướng nhằm kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông từ Nam ra Bắc với các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không.

Trong buổi sáng, Thủ tướng đã tới kiểm tra công trường thi công cầu Mỹ Thuận 2 kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ thuộc dự án tuyến cao tốc phía đông giai đoạn 2017-2020; kiểm tra dự án Cần Thơ - Hậu Giang thuộc dự án Cần Thơ – Cà Mau (tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025), thăm, tặng quà, chúc mừng năm mới cán bộ, công nhân tham gia dự án và người dân khu tái định cư.

Thủ tướng: Làm bằng được 544 km cao tốc ở ĐBSCL trong nhiệm kỳ này - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc - Ảnh: Nhật Bắc

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ĐBSCL là khu vực có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, chiến lược, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng; là vùng đất rất trù phú, giàu tiềm năng, nhưng cũng là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL.

Nêu rõ ĐBSCL có 2 "nút thắt" phát triển về hạ tầng và nhân lực, Thủ tướng cho biết chúng ta dành nguồn lực tương đối lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại ĐBSCL, quyết tâm trong nhiệm kỳ này làm thay đổi hệ thống giao thông tại miền Tây, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng biển, đường thủy nội địa. Thủ tướng cũng cho biết ý tưởng phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trong đó dự kiến sẽ làm trước đoạn Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ.

Do hạn chế về hạ tầng, chi phí logistics cho hàng hóa, nông sản khu vực ĐBSCL tăng cao. Việc phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có các tuyến cao tốc sẽ giúp vận chuyển hàng hóa, con người, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, nông sản, giúp người nông dân thoát nghèo và làm giàu; mở ra không gian phát triển mới, các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ; tạo công ăn việc làm để người dân được học tập, làm việc theo tinh thần "ly nông bất ly hương".

Vào tháng 5/2021, tại Cần Thơ, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, khẳng định quyết tâm xây dựng các tuyến cao tốc. Đến nay, sau gần 2 năm, chúng ta đã biến quyết tâm thành hành động, có các quy hoạch, kế hoạch rất rõ ràng, bố trí được kinh phí, xây dựng các dự án được các cấp có thẩm quyền thông qua và đang triển khai rất quyết liệt. Với đột phá về hạ tầng giao thông và đột phá về nhân lực, chúng ta tin tưởng ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Việc thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông cũng giúp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, một trong những động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Từ tầm quan trọng như vậy, chúng ta không bàn lùi, không chần chừ, không do dự, phải làm bằng được, đạt kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được. Quan điểm chỉ đạo là tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, làm càng sớm càng có lợi", người đứng đầu Chính phủ phát biểu.

Thủ tướng: Làm bằng được 544 km cao tốc ở ĐBSCL trong nhiệm kỳ này - Ảnh 2.

Thủ tướng làm việc với các bộ, ngành, địa phương tại Cần Thơ - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng biểu dương Bộ GTVT, các cơ quan liên quan, các địa phương vùng ĐBSCL đã nỗ lực, huy động tối đa điều kiện có thể để chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc và đến thời điểm này chúng ta có thể hài lòng với công tác chuẩn bị, trong đó có khâu giải phóng mặt bằng.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các thủ tục lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, không chia nhỏ các gói thầu, chống lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Các cơ quan tư vấn phải làm đúng quy trình, quy định, với tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn, tinh thần là tập trung nguồn lực để làm cao tốc ra cao tốc, làm tới đâu dứt điểm tới đó, tránh vừa làm xong đã phải làm lại dẫn tới lãng phí nguồn lực, thời gian.

Các bên liên quan giải quyết nhanh các vướng mắc liên quan để tạo thuận lợi nhất cho nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện, tổ chức công việc khoa học, triển khai các dự án bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, không đội vốn bất hợp lý, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đồng thời quan tâm đời sống công nhân, không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ nhân lực.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nguyên vật liệu cho các dự án, tinh thần là cắt giảm tối đa khâu trung gian, tránh đội giá, giảm thời gian, thủ tục, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc cấp các mỏ nguyên vật liệu, xử lý nghiêm các sai phạm, không để tình trạng tài nguyên là của đất nước, của nhân dân nhưng nhiều mỏ đất, đá… lại giao tư nhân quản lý và họ lợi dụng để "bắt chẹt", nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Các địa phương tăng cường phối hợp, nếu địa phương nào không đủ nguyên vật liệu thì liên hệ với các địa phương khác để xử lý; Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương trong thứ tự ưu tiên cho các dự án. Các bộ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá, thí điểm việc dùng cát biển cho các dự án cao tốc trên cơ sở khoa học.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ