(Tổ Quốc) - Chiều 26/1, tại Thủ đô Viêng Chăn, Thủ tướng nước CHDCND Lào Sonexay Siphandone đã có buổi tiếp xã giao các Bộ trưởng Du lịch ASEAN dự Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2024.
Du lịch các nước ASEAN tập trung phát triển bền vững, có trách nhiệm
Vui mừng được tiếp đón Bộ trưởng Du lịch các nước dự Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2024, Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết Lào rất vinh dự được đăng cai tổ chức ATF 2024 và nhận được sự ủng hộ rất lớn của các nước thành viên ASEAN, qua đó góp phần hỗ trợ Lào tổ chức thành công sự kiện du lịch lớn nhất khu vực.
Thủ tướng cho biết, tháng 12 vừa qua, Lào đã chính thức phát động chiến dịch "Du lịch Lào năm 2024", kỳ vọng thu hút hàng triệu du khách quốc tế đến Lào - nơi được mệnh danh là "thiên đường của văn hóa, thiên nhiên và lịch sử". Chiến dịch sẽ tổ chức khoảng 79 sự kiện văn hóa, du lịch phục vụ du khách thông qua chiến dịch kỹ thuật số đa nền tảng chiến lược. Thủ tướng Sonexay Siphandone rất mong các nước thành viên ASEAN sẽ ủng hộ và lan toả chiến dịch du lịch này, qua đó góp phần thúc đẩy du lịch ASEAN nói chung và du lịch Lào nói riêng.
Đối với Lào, khách du lịch từ các nước ASEAN luôn là thị trường khách quan trọng, vì vậy, Thủ tướng Sonexay Siphandone đề nghị Bộ trưởng Du lịch các nước ASEAN sẽ cùng hợp tác, kết nối điểm đến, tăng lượng khách trao đổi nội khối, cũng như xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút thêm nhiều khách quốc tế trên thế giới đến khu vực ASEAN.
Thủ tướng Sonexay Siphandone cũng mong rằng ngành du lịch các nước ASEAN sẽ tập trung phát triển bền vững, có trách nhiệm, thúc đẩy hợp tác, giao lưu trên cơ sở cùng có lợi, triển khai nhiều dự án, sáng kiến mới để du lịch nội khối phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Bộ trưởng Du lịch các nước ASEAN hoàn toàn nhất trí và ủng hộ những đề nghị của Thủ tướng CHDCND Lào Sonexay Siphandone, qua đó thúc đẩy "Du lịch chất lượng và có trách nhiệm - Vì tương lai ASEAN bền vững".
Thí điểm dự án "Du lịch Tự lái ASEAN"
Trước đó, sáng 26/1, bên lề Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi ăn sáng làm việc cùng các Bộ trưởng Du lịch Thái Lan, Lào và Malaysia về dự án Du lịch Tự lái ASEAN. Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cùng dự.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan Sudawan Wangsuphakijkosol cho biết, Thái Lan đặt mục tiêu tăng cường kết nối du lịch ở Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu này, Thái Lan đã lên kế hoạch phát triển một dự án thí điểm mang tên "Du lịch Tự lái ASEAN". Dự án này được thiết kế để thúc đẩy du lịch tự lái trở thành một động lực của ngành du lịch bằng cách tạo ra các tuyến đường tự lái mới kết nối Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam và Malaysia như một điểm đến chung.
Theo đó, Thái Lan đề xuất có 6 tuyến du lịch tự lái, bao gồm: (1) Thái Lan (Trat) - Campuchia (Koh Kong, Sihanoukville, Kampot, Kaep) - Việt Nam (Phú Quốc); (2) Thái Lan (Mukdahan) - Lào (Savanakhet) - Việt Nam (Huế, Đà Nẵng); (3) Thái Lan (Hat Yai, Su-ngai Kolok) - Malaysia (Kota Bharu, Kuala Lumpur); (4) Thái Lan (Loei) - Lào (Luang Prabang); (5) Thái Lan (Sakaeo) - Campuchia (Srisophon, Battambang, Pursut, Kampong Chhnang, Phnôm-pênh); (6) Thái Lan (Sakaeo) - Campuchia (Siêm Riệp - Phnôm-pênh).
Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan bày tỏ mong muốn các Bộ trưởng ủng hộ dự án, cùng với đó đưa ra đề xuất, góp ý, tham gia xây dựng nội dung, các chương trình tour phù hợp và xem xét giới thiệu với truyền thông, báo chí về dự án hợp tác này.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao đề xuất của Thái Lan hướng đến thúc đẩy du lịch tự lái và kết nối nội vùng trong ASEAN. Sau đại dịch Covid-19, khách du lịch có xu hướng đi theo nhóm nhỏ tới các điểm đến gần hơn và chi tiêu ít hơn sau đại dịch, chiêm ngưỡng phong cảnh, tìm hiểu văn hóa các quốc gia thông qua đường bộ. Vì vậy, du lịch tự lái là một lĩnh vực rất có tiềm năng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn trong dự án này. Cụ thể, sự khác nhau trong vấn đề tay lái, đường lái xe giữa các quốc gia có thể gây khó khăn khi tham gia giao thông, cần có lực lượng hướng dẫn, dẫn đường. Vấn đề cấp phép lái xe tại từng quốc gia cần nghiên cứu kỹ hơn và cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành liên quan.
Thêm vào đó, chất lượng đường bộ của mỗi quốc gia cũng có sự khác biệt, vì vậy trong quá trình hình thành tour, tuyến du lịch cũng có ảnh hưởng nhất định. Ngoài ra, các trạm dừng nghỉ trên các tuyến của từng quốc gia chưa được quy hoạch và đầu tư xây dựng một cách bài bản, theo tiêu chuẩn quốc tế. Các điểm du lịch cũng chưa gắn được với các sản phẩm đặc thù.
Để đưa sáng kiến này vào thực tiễn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Thái Lan cần cung cấp thông tin chi tiết hơn về dự án, nêu rõ vai trò, sự đóng góp của các nước cho dự án để các Bộ phụ trách du lịch phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thảo luận cơ chế làm việc phù hợp, tạo điều kiện cho thủ tục xin giấy phép cho các phương tiện tự lái đi lại giữa các quốc gia.
Ngoài ra, đề nghị các Bộ trưởng giao cấp Cơ quan Du lịch Quốc gia tổ chức họp cấp nhóm công tác thảo luận phương án đẩy mạnh kết nối du lịch đường bộ, triển khai các hoạt động cụ thể.