(Tổ Quốc) - Nam Định phải hết sức chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển văn hóa gắn với du lịch, ngang tầm kinh tế, chính trị.
Trong chương trình công tác tại Nam Định ngày 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác chuẩn bị cho người dân vui Xuân, đón Tết.
Con người Nam Định là nguồn vốn quý nhất của tỉnh
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng chỉ rõ Nam Định là tỉnh có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, mảnh đất "địa linh nhân kiệt", nổi tiếng với "Hào khí Đông A".
Tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch với lợi thế bờ biển dài 72 km; lịch sử, văn hóa, kiến trúc đa dạng, phong phú với hơn 1.330 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 90 làng nghề và hơn 100 lễ hội truyền thống, trong đó có Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" đã được UNESCO công nhận. Con người Nam Định là nguồn vốn quý nhất của tỉnh với truyền thống văn hóa, lịch sử, khoa bảng, hiếu học, giàu truyền thống yêu nước cách mạng anh hùng, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất.
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ Nam Định phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, đứng thứ 33 cả nước và thứ 9 trong vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra.
Các chỉ số về cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính còn hạn chế (PAR Index xếp thứ 40; SIPAS xếp thứ 51). Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là người lao động. Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh cần phát huy tốt hơn nữa khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ.
"Trước đổi mới, TP. Nam Định và tỉnh Nam Định là trung tâm lớn thứ 3 ở miền Bắc sau Hà Nội, Hải Phòng. Song hiện nay, Nam Định phát triển chậm lại, thấp hơn cả các tỉnh lân cận như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình...", Thủ tướng băn khoăn và chỉ rõ, nút thắt lớn nhất với tỉnh là kết nối giao thông. Liên kết vùng và phát huy lợi thế so sánh còn hạn chế; tỉnh vẫn còn thiếu một con đường chiến lược để kết nối vùng; kết nối hạ tầng khu vực ven biển chưa thuận lợi.
Phát triển văn hóa gắn với du lịch, ngang tầm kinh tế, chính trị
Trên cơ sở phân tích tình hình, đưa ra các quản điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu tỉnh quán triệt, bám sát, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết 68/2022/QH15 của Quốc hội; Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại. Giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì những vấn đề nguyên tắc nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình thực tiễn.
Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém. Tập trung cho 3 đột phá chiến lược, làm tốt công tác quy hoạch. Triển khai công việc trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, nhất là trong đầu tư công.
Là địa phương có thế mạnh về phát triển kinh tế biển, du lịch lịch sử, văn hóa - tâm linh, Nam Định phải hết sức chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển văn hóa gắn với du lịch, ngang tầm kinh tế, chính trị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho ý kiến cụ thể về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đề nghị tỉnh Nam Định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản để tỉnh phát huy được tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển, mà trước hết là triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tỉnh tập trung xây dựng, sớm hoàn thành lập quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức quản lý, thực hiện tốt các loại quy hoạch trên địa bàn bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Thủ tướng lưu ý, quy hoạch và việc triển khai quy hoạch phải chỉ ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, khắc phục được các mâu thuẫn, điểm nghẽn phát triển, chú trọng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển một số lĩnh vực cụ thể như công nghiệp xanh, du lịch, dịch vụ, làng nghề…
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý Nam Định phải đa dạng hóa nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư; ưu tiên bố trí đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa lớn, tránh dàn trải, sớm hoàn thành một số công trình trọng điểm, có tính chiến lược lâu dài, làm động lực quan trọng thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội. Tăng cường kiểm tra, rà soát lại mức đầu tư các dự án trên địa bàn để bảo đảm thực hiện đúng pháp luật, tránh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tỉnh muốn phát triển mạnh phải dồn lực, tập trung đầu tư các tuyến đường cao tốc đối ngoại chiến lược, mà cụ thể là kết nối với tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và tuyến cao tốc Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh… Thủ tướng lưu ý xây dựng các nút giao phù hợp để phát huy hiệu quả của các tuyến cao tốc.