(Tổ Quốc) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong năm qua, thiên tai, nhân tai, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp vô cùng nặng nề, nhưng năm 2020 là một năm đầy bản lĩnh, thắng lợi toàn diện của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngành nông nghiệp một lần nữa khẳng định là bệ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế quốc gia.
Chiều 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2020 là năm khu vực nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy.
Dù vậy, toàn ngành đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo, khát vọng vươn lên, bám sát thực tiễn, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng,khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Kết quả đạt được các chỉ tiêu tổng hợp năm 2020: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD. Trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%. Thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người. Cũng trong năm nay, ngành nông nghiệp thành lập mới 1.055 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 13.280 doanh nghiệp nông nghiệp.
Mục tiêu năm 2021 ngành NN&PTNT đưa ra là tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,7-3%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD.
"Với những bài học kinh nghiệm rút ra từ các thành tựu to lớn đã đạt được nhiệm kỳ qua và năm 2020, bước vào năm 2021 khởi đầu giai đoạn mới, chúng ta tin tưởng với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, phát huy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của bà con nông dân cả nước, ngành nông nghiệp sẽ quyết tâm đạt được các chỉ tiêu đề ra", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong năm qua, thiên tai, nhân tai, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp vô cùng nặng nề, nhưng năm 2020 là một năm đầy bản lĩnh, thắng lợi toàn diện của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngành nông nghiệp một lần nữa khẳng định là bệ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế quốc gia.
Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, tăng trưởng của ngành nông nghiệp chưa bền vững, vẫn luôn canh cánh nỗi lo. Cụ thể, dự báo cung cầu vẫn đang là khâu yếu, đổi mới hợp tác xã và phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến; thu nhập và đời sống của người nông dân vẫn còn thấp, tình trạng phá rừng tự nhiên vẫn diễn ra...
Bước sang năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành nông nghiệp phải biến "nguy" thành "cơ", tháo gỡ thể chế để vươn lên. Cùng với đó, tiếp tục tìm thị trường để ổn định đầu ra, trước khi đặt vấn đề sản xuất; tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" là vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong năm 2021, ngành nông nghiệp phải giữ được tốc độ tăng trưởng là 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 42%, đặc biệt nâng cao chất lượng rừng; xuất khẩu gỗ và ngoài gỗ đạt trên 20 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%; Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp...
Thủ tướng một lần nữa phát động trồng 1 tỷ cây xanh, tương đương 5 triệu ha rừng và đề nghị các địa phương phải có chương trình, kế hoạch thực hiện vấn đề này. Bởi rừng là vấn đề rất quan trọng đối với đất nước.
Theo Thủ tướng, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, trong đó ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, công nghệ số trong toàn bộ các khâu chuỗi giá trị, hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị. Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao chất lượng để chiếm lĩnh thị trường trong nước, đưa hàng hóa nông thôn lên thành thị./.