• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: Ngành tài chính phải chủ động, tích cực, năng động và sáng tạo hơn

Kinh tế 08/01/2021 21:14

(Tổ Quốc) - Sáng nay (8/1), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 62 điểm cầu trong cả nước với sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội; các bộ, ngành, cơ quan trung ương.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2020, đã có khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn, giảm. Thu NSNN cả năm đạt 98% dự toán, tăng 184.000 tỷ đồng.

Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, mức rất tích cực trong điều kiện thu NSNN năm 2020 khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so dự kiến.

Thủ tướng: Ngành tài chính phải chủ động, tích cực, năng động và sáng tạo hơn - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (Nguồn: VOV)

NSNN đã chi trên 18.000 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch COVID-19 theo các Nghị quyết 42/NQ-CP và 37/NQ-CP của Chính phủ.

Ngân sách Trung ương đã sử dụng khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh; xuất cấp gần 37.000 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.

Điểm sáng trong tổ chức thực hiện chi ngân sách năm 2020 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư tăng so với năm trước. Ước đến cuối năm 2020, chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán.

Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc phù hợp với khả năng ngân quỹ nhà nước, chủ yếu là huy động vốn trung và dài hạn (không phát hành kỳ hạn dưới 5 năm) và không vay thêm từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB....), góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2020 đã dài gấp trên 3,5 lần năm 2011, từ mức 3,9 năm lên bình quân khoảng 13,94 năm, nâng kỳ hạn nợ bình quân danh mục trái phiếu Chính phủ thời điểm cuối năm 2020 lên 8,42 năm, dài gấp gần 5 lần so với thời điểm cuối năm 2011 (1,84 năm); lãi suất huy động bình quân cũng giảm mạnh, từ mức 12,01% bình quân năm 2011, xuống còn khoảng 2,86% năm 2020.

Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP, trong phạm vi giới hạn cho phép.

Khái quát 7 kết quả nổi bật của ngành tài chính năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ngành tài chính đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước (NSNN) trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, chủ động tham mưu ban hành nhiều cơ chế, chính sách ứng phó hiệu quả với COVID-19, khắc phục thiên tai, ổn định sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ nền kinh tế.

Ngành tài chính đã triển khai nhiều giải pháp chính sách tài khóa linh hoạt như miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với gần 124.000 tỷ đồng, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Thu NSNN cả năm đạt 98% dự toán, tăng 184.000 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 23,9% GDP; kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép (cuối năm 2020, bội chi dưới 4% GDP; nợ công 55,8% GDP; nợ Chính phủ 49,6% GDP).

Theo Thủ tướng, đây là con số rất có ý nghĩa, thể hiện sự vững mạnh của nền tài chính quốc gia trong bối cảnh đại dịch COVID-19. "Ổn định vĩ mô là bài học kinh nghiệm xương máu trong quản lý kinh tế thì chúng ta đã giữ được điều này", Thủ tướng nói thêm.

Thủ tướng: Ngành tài chính phải chủ động, tích cực, năng động và sáng tạo hơn - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự hội nghị

Tính chung giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch; cơ cấu thu NSNN bền vững hơn. Thị trường tài chính, dịch vụ tài chính ngày càng phát triển theo các nguyên tắc thị trường, phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế; tạo nhiều kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ cho hệ thống tín dụng, ngân hàng. Thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường ổn định, đạt mức tăng trưởng cao trên thế giới (quy mô thị trường đạt gần 88% GDP, tăng gần 21% so cuối năm 2019).

Năm 2021, Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, không chỉ dịch bệnh mà cả cạnh tranh quốc tế, nguy cơ khủng hoảng tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu có thể xảy ra. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến ngành tài chính, cả về thu và chi NSNN, nợ công, thị trường tài chính.

Trong bối cảnh như vậy, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2021 và những năm tiếp theo, hiện thực hóa được khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển trong 5-10 năm tới. Tài chính phải góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực của đất nước.

Thủ tướng đề nghị ngành tài chính tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược theo hướng tài chính vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Cần chủ động phối hợp hiệu quả với các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện ngày càng tốt hơn sứ mệnh đặc biệt quan trọng của mình, đó là đảm bảo huyết mạch của nền kinh tế thông suốt, an toàn và tạo nền, điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2021, toàn ngành phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn và phải đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2020.

Cao Tùng

NỔI BẬT TRANG CHỦ