Sáng nay (24/7), tại tỉnh Yên Bái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội Đảng XIII với các tỉnh miền núi phía bắc, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và TP. Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đây là vùng thứ 5 mà Tiểu ban tới làm việc nhằm khảo sát thực tế tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ việc xây dựng văn kiện kinh tế-xã hội mà Tiểu ban chủ trì là Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo Kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (còn gọi là Phương hướng, nhiệm vụ phát triển 5 năm).
Cách đây một tuần, tại Cần Thơ, Tiểu ban đã có cuộc làm việc thông trưa, kéo dài đến 2h30' chiều với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM.
Trước đó, Tiểu ban đã có các cuộc làm việc (thường kết thúc vào 12h30'-13h30') với vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên (12/7), với các địa phương Nam Bộ, với TP. Hà Nội và 12 địa phương lân cận.
Dự cuộc làm việc hôm nay có các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, 9 tỉnh miền núi phía bắc, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và TP. Hà Nội.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban, chia sẻ khó khăn, mất mát với tỉnh Yên Bái trong đợt lũ lụt vừa qua; đồng thời biểu dương sự cố gắng của tỉnh, khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt. Nhân đây, Thủ tướng nhắc nhở các tỉnh miền núi phía bắc, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo phòng chống thiên tai, công tác khắc phục hậu quả của mưa lớn, sạt lở đất, nhất là lũ quét, lũ ống, với tinh thần không để ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của nhân dân.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Về cuộc làm việc hôm nay, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ của Tiểu ban trong việc xây dựng 2 văn kiện quan trọng mà đến nay, "đã làm được một số việc, đã có đề cương chi tiết, báo cáo Hội nghị Trung ương vừa rồi". Tinh thần của Tiểu ban là văn kiện phải sát thực tiễn, cho nên, "phải lắng nghe các địa phương đóng góp về tình hình phát triển cũng như mô hình, những nét mới trong 5, 10 năm qua". Vì thế, Tiểu ban đã có 5 cuộc làm việc với các vùng có các đặc thù riêng.
"Đây là hội nghị quan trọng, trước hết đưa ra phương hướng phát triển đất nước 5 năm, 10 năm tới, tầm nhìn đến 2045, trong đó đánh giá tình hình phát triển thời gian qua", Thủ tướng đề nghị các đại biểu nhận định đúng tình hình, đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhất là giải pháp phát triển phù hợp với tình hình mới, cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên toàn cầu.
Chín tỉnh miền núi phía bắc cùng Nghệ An, Thanh Hóa, 2 tỉnh có quy mô dân số lớn, và TP. Hà Nội cùng ngồi lại để bàn về vấn đề liên kết Thủ đô với các địa phương. Vì vậy, tại cuộc làm việc, "chúng ta sẽ tìm ra đặc điểm của khu vực này để tìm được lợi thế so sánh, xác định vị trí chiến lược, kể cả quốc phòng, an ninh, đối ngoại, môi trường sinh thái trong bối cảnh biến đổi khí hậu sâu sắc".
Theo Thủ tướng, 9 tỉnh miền núi phía bắc và Nghệ An, Thanh Hóa có nhiều tiềm năng phát triển và rất vui mừng khi các địa phương này có nhiều thay đổi trong 5, 10 năm qua, có nhiều mô hình hay mà "Trung ương, Tiểu ban cần lắng nghe để có định hướng tốt cho vùng quan trọng này". Tuy nhiên, các địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thách thức, lớn nhất là địa hình chia cắt, hạ tầng khó khăn và tỉ lệ nghèo cao nhất cả nước.
Thủ tướng đề nghị cần bàn sát tình hình hơn, kể cả kinh tế và xã hội, lĩnh vực rất quan trọng với "nôi cách mạng" này. Bên cạnh đó, cần đề xuất, góp ý phương hướng, nhiệm vụ, cách làm mới.
Thủ tướng cũng đề nghị làm rõ mối liên kết giữa Hà Nội với các địa phương vùng núi phía bắc cũng như với các tỉnh lớn là Nghệ An, Thanh Hóa.