(Tổ Quốc) -Chiều 29/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban và Hội đồng và các thành viên.
Gợi ý thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh Nghị quyết 29 của Trung ương đã chỉ rõ những định hướng, mục tiêu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, do đó “trách nhiệm của chúng ta là phải có kế hoạch dài hạn và bước đi phù hợp thực hiện Nghị quyết quan trọng này”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại buổi họp |
Điểm lại một số thành tích nổi bật của giáo dục đào tạo thời gian qua như Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD công bố tại kỳ đánh giá 2015, học sinh Việt Nam xếp thứ 8 trên 70 nước về khoa học, đứng thứ 22/70 về toán học và 32/72 về đọc hiểu, Thủ tướng cho rằng, “một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao đánh giá như vậy nhưng thứ hạng của các trường đại học Việt Nam rất thấp trong khu vực, đặc biệt là nguồn nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, nhất là yêu cầu phát triển các mũi nhọn kinh tế, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, hay đáp ứng yêu cầu cạnh tranh thị trường lao động khu vực và quốc tế”.
Vấn đề thứ hai đặt ra là việc xây dựng chương trình sách giáo khoa phổ thông mới. Thủ tướng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về việc giảm tải chương trình, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các địa phương để triển khai chương trình sách giáo khoa mới.
Nêu vấn đề nữa về tự chủ đại học, Thủ tướng cho biết, hiện nay có 26 cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ. Nhiều cơ sở đã thực hiện kiểm định chất lượng, tham gia đánh giá xếp hạng quốc tế. “Tuy nhiên cần có cách hiểu đúng đắn, thống nhất về tự chủ đại học”, Thủ tướng đề nghị thảo luận về các mức độ tự chủ khác nhau được diễn giải như thế nào trong bối cảnh đất nước hiện nay trên các phương diện như tự chủ tài chính, cơ chế kiểm tra, giám sát, can thiệp của cơ quan chủ quản… Thủ tướng đề nghị các đại biểu cho ý kiến để khắc phục những hạn chế, yếu kém của tự chủ đại học hiện nay.
Toàn cảnh buổi họp |
Vấn đề thứ tư mà Thủ tướng đề nghị thảo luận là việc công nhận, bổ nhiệm cách chức danh giáo sư, phó giáo sư khi thời gian qua, còn một số hạn chế, bất cập, gây nên dư luận trong xã hội, để làm sao hội đồng chức danh giáo sư các cấp phải hoạt động tốt hơn, hiệu lực hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm chất lượng, quy trình chặt chẽ, công khai minh bạch.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận về cơ chế của hội đồng xét công nhận giáo sư, phó giáo sư, về quy trình xét duyệt; về ý kiến cho rằng giáo sư, phó giáo sư là chức danh nghề nghiệp gắn với công việc cụ thể ở các trường đại học.
Tại phiên họp, các ý kiến đều nói về việc quy hoạch lại cơ sở các trường sư phạm, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, kể cả đầu vào sư phạm, chính sách, chế độ cho giáo viên, truyền thông và tôn vinh người thầy, đổi mới phương pháp giảng dạy.
Về tự chủ giáo dục đại học, đồng tình với các ý kiến cho rằng đang được triển khai rất tốt, Thủ tướng lưu ý, bước đi, cách làm phải hết sức chặt chẽ, tốt hơn để không gây rối loạn, nhảy từ cực này sang cực kia.
Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT tổng hợp, nghiên cứu đề xuất để cách hiểu thống nhất, cách chỉ đạo thống nhất hơn trên tinh thần là hướng tới tiếp cận mới về tự chủ đại học với cách làm phù hợp ở Việt Nam, trong đó, tự chủ về học thuật, về tổ chức bộ máy, tài chính. Thủ tướng nêu rõ, tự chủ tài chính không có nghĩa là nhà nước không đầu tư nữa.
Về vấn đề sách giáo khoa, Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học, lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, bảo đảm yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực, khả thi, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trình Thủ tướng ký ban hành trong tháng 6/2018./.