(Tổ Quốc) - Sáng 16/11, Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ đã khai mạc tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và hơn 1.500 đại biểu bao gồm đông đảo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có sử dụng nhiều nhân lực, các chuyên gia về giáo dục… tới dự.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, Diễn đàn mang thông điệp “Muốn phát triển bền vững và bao trùm cần quan tâm phát triển kỹ năng, việc làm thỏa đáng và nền an sinh bền vững cho con người và doanh nghiệp đồng hành với nhà trường tạo đột phá về quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng tâm kỹ năng lao động Việt Nam”.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của cuộc cách mạng 4.0, của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của mình khi robot thay thế con người. “Do đó, công việc của chúng ta phải thay đổi, nhất là ngành nghề thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, cơ khí điện tử…”, ông Đào Ngọc Dung nói.
Đến nay, trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã có hàng chục trường nghề có chương trình đào tạo nghề đạt chuẩn kiểm định uy tín của Mỹ, Anh, Pháp; 25 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 12 nghề chuyển giao từ Australia; 45 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 22 nghề chuyển giao từ Đức và những trường này được cấp 2 bằng để các học viên tốt nghiệp tham gia thị trường trong nước và quốc tế.
Với kinh nghiệm đào tạo của CHLB Đức, sinh viên học nghề có 70% thời gian thực hành tại doanh nghiệp, 30% học lý thuyết. Người học được thực hành nhiều để khi tốt nghiệp có thể bắt tay ngay vào công việc, đây mô hình đào tạo nghề kép, luôn luôn tồn tại 2 trường. Đó là học lý thuyết tại trường nghề, còn trường học thứ 2 quan trọng hơn là tại doanh nghiệp. Đây là yếu tố trọng tâm, xuyên suốt trong công tác đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng người lao động, là sự thay đổi tư duy rất lớn. Nhiều quốc gia phải mất vài chục năm theo đuổi để đạt mục tiêu này.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Diễn đàn được tổ chức nhằm tập hợp ý kiến của các đại biểu đại diện cho các cơ quan nhà nước; các chuyên gia của các nhà trường, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế để cùng trao đổi, thảo luận, thẳng thắn đánh giá những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục nhân rộng, phát huy, đồng thời, nhận diện chính xác khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, từ đó tìm ra những giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
“Chúng tôi kỳ vọng các đại biểu sẽ đánh giá khách quan thực trạng giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm hay, đưa ra các dự báo về kỹ năng, xu hướng tuyển dụng và việc làm; khuyến nghị chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp cho Chính phủ và các bộ cũng như tham gia tư vấn phát triển các chương trình đào tạo nghề phù họp với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động nâng cao kỹ năng của nguồn nhân lực Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế”, ông Đào Ngọc Dung bày tỏ.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, giáo dục nghề nghiệp vẫn giao cho ngành LĐ-TBXH tiếp tục quản lý. Vấn đề này gây nhiều tranh cãi nhưng rõ ràng việc này giao cho Bộ LĐ-TBXH là đúng và cần thiết để nâng cao tính chuyên nghiệp.
Chúng ta đã xác định được đến 130 nghề trọng tâm, đã có 40 trường nghề trọng điểm, chất lượng cao. Nhiều trường có chương trình tốt và đặc biệt là 3 năm gần đây thì tuyển sinh của các trường dạy nghề vượt chỉ tiêu. Đây là dấu hiệu đáng mừng.
Việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, có thể nêu ra rất nhiều tấm gương tốt về đào tạo trong doanh nghiệp, trường bên cạnh doanh nghiệp và trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Nhấn mạnh vai trò doanh nghiệp, Thủ tướng dẫn câu nói của GS. Robert Kaplan (Đại học Harvard) rằng “quốc gia là con thuyền, doanh nghiệp là những tay chèo”, nếu tay chèo yếu thì con thuyền không vượt lên được.
Thủ tướng cũng cho rằng phải bảo đảm 3 nguyên tắc. Trước hết, cần bám sát hơn nữa vào nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa cung cầu về lao động có kỹ năng nghề. Thứ hai, phát triển đào tạo nghề với chuẩn mực chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thứ ba, nâng cao tính dự báo, cần hiểu, nắm bắt nhanh nhạy và dự báo sớm được nhu cầu nhân lực kỹ năng cao của doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng hợp tác doanh nghiệp, nhà trường.
“Anh đừng đào tạo thứ người ta không cần”, Thủ tướng nói và đề nghị Bộ LĐ-TBXH suy nghĩ thiết kế và đề xuất một “hiệp ước xã hội”, đó là cơ chế hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Chính phủ trên các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm để gắn kết nội dung, chất lượng đào tạo nhân lực kỹ năng cao với nhu cầu thị trường và nền kinh tế.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới, Thủ tướng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thầy, cô giáo, đặc biệt là gần 90.000 thầy cô trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Trong dịp này, Thủ tướng cũng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho nam sinh Trương Thế Diệu, người đoạt Huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 vừa qua.