(Tổ Quốc) -Sáng 20/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân kỉ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2018).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân Thuận Hữu cùng tham dự buổi gặp mặt.
Tại buổi gặp mặt, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Thuận Hữu đã ôn lại truyền thống báo chí cách mạng, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và của dân tộc ta.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân dịp 21/6. Ảnh: Thái Bình |
Đặc biệt, trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, báo chí đã tích cực tuyên truyền có hiệu quả về các sự kiện quan trọng của đất nước, như: tuyên truyền về các Nghị quyết của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, Chỉ thị của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền triển khai thực hiện các đạo luật đã được sửa đổi, ban hành; tuyên truyền, phản ánh đậm nét các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ; tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới; kiên quyết đấu tranh với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân...
Nhiều cơ quan báo chí đã đầu tư nâng cao chất lượng bài báo, trang báo, chương trình, kênh chương trình, tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, có tác động xã hội lớn, đạt hiệu quả về thông tin tuyên truyền và sự tin yêu của bạn đọc.
Các cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước và Hội Nhà báo Việt Nam cũng tích cực đổi mới theo hướng chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục. Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí đi vào nền nếp, thực hiện đúng định hướng của Đảng và Nhà nước...
Nói về cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 với đời sống báo chí hiện nay, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo vẫn không ngừng nỗ lực để vượt qua những khó khăn, thử thách đó; các nhà báo sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân giao phó...
Chủ trì buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò, chức năng của báo chí đối với sự phát triển của đất nước trong suốt 93 năm qua đồng thời khẳng định: “Những người làm báo nước nhà đã tích cực tuyên tuyền đương lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; sự phát triển kinh tế - xã hội; biểu dương gương người tốt việc tốt, phản bác luận điệu sai trái, tiêu cực, đấu tranh phòng chống tham nhũng...”
Bên cạnh việc đánh giá cao những thành tựu mà những người làm báo và các cơ quan báo chí đã làm được trong thơi gian qua, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan báo chí cần nghiêm túc đánh giá những tồn tại yếu kém.
Thủ tướng mong muốn người làm báo tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong việc đưa tin, định hướng dư luận đúng đắn, làm tốt công tác phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu đạt được, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế, hội nhập của đất nước; tuyên truyền tới nhân dân các vấn đề thời sự đảm bảo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Không để diễn ra tình trạng báo chí giật tít giật gân, kích động, chú trọng truyên truyền gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, gắn với học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển.
Đồng thời thông tin nhanh, chính xác, khách quan các chủ trương chính sách, phản ánh kịp thời những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc xây dựng Chính phủ liêm chính; cùng tham gia giám sát các cơ quan hành chính Nhà nước;…
Thủ tướng chỉ đạo, tới đây, Chính phủ sẽ họp bàn đánh giá thực tiễn của công tác báo chí và đưa ra các phương án đổi mới phương thức, đổi mới cách làm. Các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cần rà soát các quy định, hoàn thiện quy hoạch báo chí theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế chính sách bảo đảm quyền lợi của người làm báo. Các bộ, ngành địa phương, đặc biệt là người phát ngôn cần phối hợp tốt với các cơ quan báo chí để kịp thời thông tin về các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông tin hoạt động của Bộ ban ngành địa phương để kịp thời thông tin đến người dân.
Thái Linh