• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: Nhân dân đoàn kết, cán bộ trưởng thành hơn sau sự cố môi trường biển

Thời sự 17/05/2018 15:00

(Tổ Quốc) - Thành công lớn nhất sau việc xử lý sự cố môi trường biển miền Trung chính là người dân dù gặp thiệt hại vẫn tin tưởng vào chính quyền, vào Đảng. Sau sự cố nhân dân càng đoàn kết hơn, các cán bộ cũng trưởng thành hơn. 

Nhiều kết quả trong việc khắc phục

Sáng 17/5, tại TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) đã diễn ra Hội nghị tổng kết hoạt động công tác chỉ đạo về ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Đến tham dự có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ TNMT, NN&PTNT, KHĐT, TTTT, Bộ Y tế cùng lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: N.D

 

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sự cố môi trường biển xảy ra từ tháng 4/2016 tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất kinh doanh của khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân vùng ven biển thuộc 4 tỉnh miền Trung.

Sau sự cố, với sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương quyết liệt, đồng bộ vào cuộc để sớm tìm nguyên nhân xảy ra sự cố; ban hành một số chính sách cấp bách hỗ trợ người dân ổn định đời sống; chỉ đạo khôi phục sản xuất, môi trường.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, Bộ đã điều động tàu kiểm ngư phối hợp với 4 tỉnh tăng cường tuần tra, giám sát và vận động ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản tầng đáy và đặc biệt là hệ sinh thái thủy sinh vừa mới bị tổn thương cũng như khu vực có thủy sinh còn non.

Đến ngày 30/6/2016, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp (Formosa Hà Tĩnh) đã nhận hoàn toàn trách nhiệm vụ việc, công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại 500 triệu USD. Ngày 23/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh người dân 4 tỉnh miền Trung do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm Trưởng ban.

Tính đến nay, sau 2 năm tích cực triển khai các biện pháp khắc phục, nhìn chung tình hình chất lượng nước biển, môi trường biển đã được khôi phục, hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các khu du lịch biển, bãi tắm của 4 tỉnh miền Trung đã hoạt động trở lại bình thường. Người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản; hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi; tình hình ANTT xã hội ổn định.

Theo báo cáo tổng hợp đến ngày 10/5/2018, tổng kinh phí các tỉnh đã phê duyệt để chi trả hỗ trợ bồi thường thiệt hại là 6.516 tỉ đồng. Trong đó Hà Tĩnh: 1.748,1 tỉ đồng, Quảng Bình: 2.784,8 tỉ đồng, Quảng Trị: 1.053,5 tỉ đồng, Thừa Thiên - Huế: 972,8 tỉ đồng. Đến nay, kết quả chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường thiệt hại là 6.428,9 tỷ đồng, tương đương 98,7% so với số tiền đã phê duyệt. 

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã rà soát, tạm cấp 5 lần 100% kinh phí chi trả bồi thường, thiệt hại cho 4 tỉnh với tổng số tiền 6.969 tỉ đồng; Ngoài ra, Bộ Tài chính đã xuất cấp 282,36 tỉ đồng hỗ trợ gạo và hỗ trợ khẩn cấp cho người dân 4 tỉnh.

Không để xảy ra sự cố tương tự

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau khi xác định nguyên nhân sự cố môi trường biển là do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch hoạt động giám sát, đánh giá an toàn hải sản 4 tỉnh miền Trung chia làm 6 đợt, từ ngày 25/8/2016 đến tháng 3/2018.

“Qua quá trình theo dõi, giám sát, đến nay có thể khẳng định chất lượng hải sản biển ở 4 tỉnh miền Trung đã an toàn”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Bộ Y tế cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giám sát an toàn hải sản tầng đáy từ 20km trở vào bờ biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: N.D

Có mặt chủ trì hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước những kết quả đã đạt được. Theo Thủ tướng, sự cố môi trường biển vừa qua là chưa có tiền lệ, là sự cố lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, đây cũng là cơ hội để các thế lực phản động tìm cách chống phá. Tuy nhiên, với sự vào cuộc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ phối hợp cùng với các bộ ngành, chính quyền địa phương đã tìm ra hướng xử lý vừa có lợi cho nhân dân, vừa có lợi cho môi trường đầu tư.

Để có được những kết quả tốt đẹp như vừa qua một phần là nhờ vào tinh thần làm việc công khai, minh bạch của chính quyền, ngành chức năng đã tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của đa phần người dân. Thành công sau việc xử lý sự cố này chính là người dân dù gặp thiệt hại vẫn tin tưởng vào chính quyền, vào Đảng. Sau sự cố nhân dân càng đoàn kết hơn, các cán bộ cũng trưởng thành hơn. Thủ tướng cũng tin tưởng rằng, sau sự cố môi trường biển này nền kinh tế của miền Trung sẽ tiếp tục vươn lên, trong đó có sự tăng trưởng của kinh tế biển.

Đối với những vấn đề còn tồn tại, Thủ tướng chỉ đạo và giao cho các tỉnh tập trung, khẩn trương hoàn thành dứt điểm việc chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường cho các đối tượng bị thiệt hại; Thực hiện các chính sách về an sinh xã hội và tập trung triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá phục vụ người dân vùng bị ảnh hưởng; các dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản, các dự án quan trắc và cảnh báo môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Các ngành, địa phương cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát, bảo vệ môi trường không chỉ với Formosa mà còn nhiều dự án khác, nhất là các dự án ven biển, không để xảy ra thêm sự cố tương tự.

Lê Chung

 

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ