(Tổ Quốc) - Thủ tướng nhấn mạnh phải tập trung xử lý những dự án thua lỗ kéo dài. Phải bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống, không để mất điện là mệnh lệnh.
Sáng 27/12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì hội nghị.
12/12 chỉ tiêu chung đều đạt và vượt mức
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2019 đã chứng kiến các kết quả tích cực khi 12/12 chỉ tiêu chung của Chính phủ đề ra đều đã đạt và vượt mức.
Bộ Công Thương đã rất nỗ lực và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên còn nhiều vấn đề đang đặt ra cho ngành Công Thương để tiếp tục giải quyết và khắc phục những tồn tại, bất cập trong chiến lược phát triển, công tác điều hành, tham gia điều hành trong quản lý kinh tế ngành, cũng như quản lý nhà nước, nhiệm vụ liên quan đến thể chế, pháp luật.
“Năm 2020 là năm quyết định, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc kết thúc Chiến lược 10 năm của đất nước, cũng như trong Kế hoạch 5 năm của nhiệm kỳ của Chính phủ và Quốc hội. Với những kết quả có được trong những năm trước, cũng như tiếp tục trong năm 2020, mục tiêu không chỉ hoàn thành kế hoạch năm 2020 mà hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu của cả Chiến lược và Kế hoạch 5 năm. Đây được coi là nhiệm vụ dài hạn gắn với nhiệm vụ Chiến lược, lẫn cả mục tiêu trong trung, ngắn hạn của năm 2020, đặc biệt đối phó với cục diện chung của trong nước và thế giới sẽ là những nhiệm vụ hàng đầu”- Bộ trưởng nêu rõ.
Để thực hiện yêu cầu này, Bộ Công Thương cần nhìn nhận và đánh giá thực chất những vấn đề đang là nút thắt trong hoạt động phát triển ngành Công Thương. Từ đó có giải pháp, thực hiện dưới sự chỉ đạo của Chính phủ để xử lý và tháo gỡ, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng của cả nước, đặc biệt theo hướng bền vững, đồng thời thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia phát triển trong thời gian tới .
Trong đó, tập trung giải quyết chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, xuất nhập khẩu theo hướng bền vững. Bộ Công Thương đã duy trì hàng loạt về chiến lược phát triển xuất nhập khẩu bền vững, tái cơ cấu công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo hướng bền vững. Mặc dù, thời gian qua đã đạt nhiều tiến bộ, nhưng những việc tái cơ cấu này chưa triển khai kịp với tiến độ, chưa đạt được nền tảng hướng tới bền vững của khu vực và toàn cầu.
Liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ trưởng cho rằng mặc dù có kết quả khả quan, phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của khu vực và thế giới. Tuy nhiên xuất nhập khẩu còn nhiều chiều rộng, mức độ phát triển về chiều sâu chưa tương xứng với nỗ lực với yêu cầu. “Đặc biệt trong bối cảnh khi bảo hộ mậu dịch đang phát triển phức tạp, có nguy cơ làm cản trở sự hoàn thiện phát triển chống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, cũng như tự do hóa thương mại hóa của toàn cầu hóa, chúng ta thấy yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết, phải tiếp tục phát triển bền vững thị trường nước ngoài, dựa trên cơ sở tăng cường năng lực cạnh trạnh trên cơ sở tái cơ cấu lại nền công nghiệp, để đảm bảo khả năng tham gia thị trường quốc tế một cách bền vững", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Thủ tướng lưu ý 5 vấn đề
Phát biểu tại lễ tổng kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của ngành công thương, ngành đóng góp đến 80% GDP cả nước.
Trong đó, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế vẫn là công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng trên 10,5% và thương mại, thể hiện ở sức cầu tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế, tăng 11,9%, đều vượt kế hoạch.
Tổng quy mô ngoại thương của nền kinh tế đã lên đến 516 tỷ USD, mức kỷ lục chưa từng có, trong đó, riêng xuất khẩu đạt hơn một nửa, là nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 thế giới với 264 tỷ USD, đặc biệt cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục xấp xỉ 10 tỷ USD, một con số mà hàng chục năm trước đây chúng ta không thể hình dung nổi. Điều ấn tượng nữa là chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 10 bậc, lên 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó nhiều trụ cột có đóng góp làm tăng thứ hạng Việt Nam liên quan đến ngành công thương.
Cho rằng Bộ Công Thương là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại rất quan trọng và rất phức tạp, Thủ tướng nêu ra 5 vấn đề cần lưu ý.
Cụ thể, ngành công thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành; tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường.
Thể chế chính sách, nhất là quy hoạch phát triển, thể hiện một thể chế tiên tiến, làm đà cất cánh cho Việt Nam nói chung, nhất là những ngành công nghiệp mũi nhọn là một yêu cầu cấp bách cho ngành công thương.
Để làm những việc này, ngành công thương cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước của ngành từ Trung ương đến địa phương để tạo nên một bước phát triển đúng hướng.
Ngoài ra, phải nâng cao năng suất nội ngành của ngành công nghiệp; phát triển ngành công nghiệp Việt Nam giảm phụ thuộc vào lợi thế không bền vững của nguồn tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ, thay vào đó phải chuyển ngành công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang nền công nghiệp chế biến dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và cạnh tranh.
Cùng với đó phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển của ngành công thương, tiếp tục tạo ra sự thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, để tăng năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam có dân số gần 100 triệu dân, nhu cầu nội địa lớn, do đó, Bộ Công Thương cần tổ chức tốt thị trường, xây dựng thương hiệu mạnh, hàng Việt Nam thuyết phục người Việt Nam, không được để mất thị trường bán lẻ.
Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh phải tạo thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu, theo tinh thần hậu kiểm, chống tham nhũng trong xuất nhập khẩu.
Không được để tình trạng đẩy giá lên
Thủ tướng nhấn mạnh phải tập trung xử lý những dự án thua lỗ kéo dài. Phải bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống, không để mất điện là mệnh lệnh. Cần xem xét kỹ, rất hạn chế việc phát triển mới các dự án điện than và cần kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ môi trường - một nhiệm vụ đối với Bộ Công Thương chứ không chỉ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Công Thương phải đi đầu giải quyết vấn đề quy hoạch, không vì quy hoạch mà gây ách tắc cho phát triển. Có chủ trương, biện pháp cụ thể để giải phóng các nguồn lực đang trì trệ.
“Các đồng chí phải lo Tết cho người dân đủ hàng hóa ở mọi vùng, không được để tình trạng đẩy giá lên, đừng để cái gọi là lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý xảy ra”, Thủ tướng nói.