• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng Phạm Minh Chính: ASEAN cần kề vai, sát cánh, tự cường và chủ động ứng phó mọi thách thức

Thời sự 11/11/2022 21:41

(Tổ Quốc)- Sáng 11/11, lãnh đạo các nước ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 với trọng tâm trao đổi về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.

Báo cáo về tình hình hợp tác ASEAN tại Hội nghị, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã cập nhật tiến độ triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột đạt nhiều kết quả khả quan. Tỷ lệ thực hiện hành động trong trụ cột chính trị-an ninh đạt 98%, với nhiều hoạt động hợp tác quốc phòng, an ninh mạng, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tư pháp, quản lý biên giới cũng như trong hợp tác giữa ASEAN với các đối tác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: ASEAN cần kề vai, sát cánh, tự cường và chủ động ứng phó mọi thách thức - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và trưởng đoàn các nước ASEAN chụp ảnh chung tại Lễ khai mạc. (Ảnh: TTXVN)

Tăng trưởng GDP ở khu vực dự báo khả quan, đạt mức khoảng 5% năm 2022 và 2023, thương mại và đầu tư nước ngoài tiến triển tích cực, bất chấp thách thức toàn cầu do căng thẳng địa chính trị, lạm phát gia tăng và tài chính thắt chặt.

Các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ nhờ các chương trình tiêm phòng vaccine trên diện rộng. Hợp tác giáo dục, y tế, môi trường, văn hóa-nghệ thuật, phát triển nguồn nhân lực, ứng phó biến đổi khí hậu tiếp tục được quan tâm thúc đẩy nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Lãnh đạo các nước cũng đánh giá cao nỗ lực của Chủ tịch Campuchia dẫn dắt và định hướng hợp tác ASEAN với nhiều sáng kiến quan trọng như: Tuyên bố Tầm nhìn Lãnh đạo ASEAN về "ASEAN Hành động: Cùng ứng phó thách thức," Tuyên bố kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, Hội nghị Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ 2 về khơi dậy tiềm năng kinh doanh của phụ nữ, Đối thoại Toàn cầu ASEAN...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: ASEAN cần kề vai, sát cánh, tự cường và chủ động ứng phó mọi thách thức - Ảnh 2.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: VOV.

Các lãnh đạo hoan nghênh những nỗ lực xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, nhấn mạnh ý nghĩa và tính chất định hướng bao trùm của văn kiện đối với hợp tác, liên kết ASEAN trong thập kỷ tới, đặc biệt trước những chuyển động phức tạp, khó lường của tình hình khu vực và quốc tế.

Các nước nhất trí Tầm nhìn cần có sự kế thừa, tiếp nối và cập nhật những xu hướng và những vấn đề đang nổi lên, bảo đảm vai trò và duy trì tính phù hợp của ASEAN trong bối cảnh mới. Các lãnh đạo cũng nhất trí thông qua các khuyến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN, tăng cường phối hợp liên ngành, liên trụ cột, và giao các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai, sớm đưa các biện pháp đi vào cuộc sống.

Trên cơ sở báo cáo đánh giá của ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, lãnh đạo các nước thông qua Tuyên bố về việc Timor Leste xin gia nhập ASEAN, bày tỏ ủng hộ về nguyên tắc việc kết nạp Timor Leste là thành viên thứ 11 của ASEAN, trao quy chế quan sát viên cho Timor Leste và giao Hội đồng Điều phối ASEAN xây dựng lộ trình cho việc gia nhập của nước này để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 xem xét, quyết định.

Nhân dịp này, các lãnh đạo bày tỏ đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp thực chất của Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi trong 5 năm qua và nhất trí bổ nhiệm ông Kao Kim Hourn làm Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2023-2027.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: ASEAN cần kề vai, sát cánh, tự cường và chủ động ứng phó mọi thách thức - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ cùng Campuchia và các nước ASEAN bảo đảm thành công của các hội nghị. Chia sẻ ý kiến của các lãnh đạo về những khó khăn, thách thức đặt ra cho ASEAN, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ chủ đề của năm 2022 "Cùng ứng phó thách thức" là hết sức đúng đắn và kịp thời.

Tiến trình 55 năm qua của ASEAN cho thấy đoàn kết là yếu tố quyết định làm nên thành công của ASEAN và là sức mạnh để ASEAN giữ vững ổn định trong bối cảnh bất ổn hiện nay. Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định càng đối mặt với khó khăn, thách thức, ASEAN càng cần phát huy tinh thần "Tư duy cộng đồng, Hành động cộng đồng," kề vai, sát cánh, tự cường và chủ động ứng phó. Điều này được thể hiện rõ nét qua các thành tựu của ASEAN trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.

Thủ tướng đề nghị ASEAN thúc đẩy các bài học kinh nghiệm về hợp tác và phối hợp hành động trong kiểm soát, ứng phó và ngăn ngừa dịch bệnh. Theo đó, Thủ tướng đề xuất tổ chức Diễn đàn Cấp cao thúc đẩy quan hệ đối tác về phục hồi đồng đều và tăng trưởng bền vững ở ASEAN, dự kiến trong nửa đầu năm 2023.

Với phương châm lấy người dân là trung tâm, mục tiêu và động lực của tiến trình xây dựng Cộng đồng, Thủ tướng đề nghị Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 dành sự quan tâm thỏa đáng tới mọi nhóm xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bảo đảm thụ hưởng công bằng của mọi người dân; gắn kết hài hòa phát triển đồng đều, tăng trưởng bền vững và các chính sách thúc đẩy hạ tầng cứng cùng hạ tầng mềm tại các tiểu vùng, với tiến trình chung của ASEAN nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng và động lực phát triển cho toàn khu vực.

Trong tình hình kinh tế khu vực và toàn cầu suy giảm, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần mở cửa mạnh mẽ thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại, cùng nhau tạo ra các động lực tăng trưởng mới để bắt kịp xu hướng chuyển đổi lớn hiện nay, đề nghị tăng cường phối hợp đào tạo nghề, nhất là trong các ngành kinh tế mới nổi để nâng cao năng lực thích ứng linh hoạt và hiệu quả.

Trong đó, cùng với xu thế phát triển xanh, các nước cần tăng cường hợp tác phát triển chính phủ số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xã hội số, để đưa chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thực sự trở thành động lực phát triển mới ở khu vực.

Cùng lãnh đạo các nước ASEAN, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ về nguyên tắc Timor Leste gia nhập ASEAN theo các quy trình thủ tục trong ASEAN, theo đó, trước mắt trao quy chế quan sát viên cho Timor Leste.

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng khẳng định ASEAN cần giữ vai trò trung tâm, trong đó cần thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN thông qua nhiều Tuyên bố quan trọng như Tuyên bố Tầm nhìn Lãnh đạo ASEAN về "Cùng ứng phó thách thức", "Tuyên bố kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN", "Tuyên bố Chương trình Nghị sự Kết nối ASEAN sau 2025"./.

An Bình (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ