• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023

Thời sự 23/10/2023 11:32

(Tổ Quốc) - Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm.

Dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới

Báo cáo cho hay, tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng… Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tăng 3,38%, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, tăng 6,3% so với cùng kỳ… Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.

Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Tài nguyên và Môi trường…

Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5%.

Thủ tướng cũng cho biết, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét hơn. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo và phát triển; quan tâm bố trí nguồn lực của Nhà nước và phát huy các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, gắn kết hiệu quả giá trị di sản với phát triển du lịch; Tổ chức Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam; nhiều lễ hội truyền thống, chương trình văn hóa, nghệ thuật được tổ chức thành công. Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ngày càng được hoàn thiện và phát huy hiệu quả.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1%, còn 2,93%. Chất lượng khám, chữa bệnh tiếp tục được cải thiện. Lĩnh vực lao động, việc làm chuyển biến tích cực; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước cả năm là 2,76% (chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%).

Trong báo cáo, Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu những tồn tại, hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến; cổ phần hóa DNNN còn chậm. Tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Các cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, nhà ở, đầu tư công đang là điểm nghẽn; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm; du lịch quốc tế phục hồi chậm…

Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ; lao động khu vực phi chính thức còn lớn; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao... Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để. An ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm mạng; còn để xảy ra một số vụ việc cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng…

Thủ tướng cũng nêu ra 5 bài học kinh nghiệm và thời gian tới tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5-4%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên họp.

Trong báo cáo tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 6, Thủ tướng cũng nêu 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong năm 2024, trong đó Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị. Tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa cơ sở, đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá". Quan tâm đầu tư hơn nữa cho bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Chú trọng xây dựng con người có nhân cách, môi trường văn hóa lành mạnh, văn hóa công chức, văn hóa công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Huy động nguồn lực trung ương và địa phương, nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ công tác tôn tạo, phát huy các di sản quốc tế, quốc gia. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khơi dậy sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội được nêu ra trong báo cáo trên đồng thời bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Cụ thể, tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hoà, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác… Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện phương án xử lý các ngân hàng yếu kém...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 - Ảnh 4.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; Khắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; Xây dựng kế hoạch để tổ chức và triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội ban hành; chuẩn bị sớm, bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Tiếp tục đẩy nhanh quá trình phê duyệt, quyết định các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh, sớm ban hành kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII và triển khai hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt, quyết định; Củng cố, thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính đặc biệt là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu bám sát định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam. Chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế; nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh. Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024; có giải pháp, chính sách hiệu quả để khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Xử lý có hiệu quả các bất cập về sách giáo khoa, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu trường học, lớp học. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế…

Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cho hay, đã có 1.101 lượt ký kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi về. Trong đó, cử tri và nhân dân vui mừng trước kết quả của Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII thống nhất ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và chấn hưng văn hoá, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới…


Song Đào, ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ