• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng thông qua gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, thủ tục giải ngân đơn giản nhất

Thời sự 01/07/2021 20:04

(Tổ Quốc) - Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị quyết 68 để hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 với số tiền hỗ trợ khoảng 26.00 tỷ đồng.

Giảm 2/3 thủ tục

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tối 1/7, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho hay, các chính sách trong Nghị quyết 68 tập trung chủ yếu vào 2 đối tượng là người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu do đại dịch COVID-19. Đối tượng cụ thể là tập trung chủ yêu là công nhân, lao động trực tiếp.

Nghị quyết 68 có 4 nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất là đảm bảo hỗ trợ kịp, thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch. Thứ hai thiết kế chính sách kỳ này cố gắng làm sao đơn giản nhất, dễ nhất cho người lao động tiếp cận chính sách.

"Thủ tục hành chính trong Nghị quyết này so với Nghị quyết 42 giảm tới 2/3 số lượng các thủ tục"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu.

Bộ trưởng lấy ví dụ, trước đây có 4 thủ tục giảm miễn, tạm dừng đóng bảo hiểm cho người lao động nhưng giờ tinh thần là thủ tục nào không bắt buộc sẽ không yêu cầu doanh nghiệp phải làm. Doanh nghiệp tới cơ quan bảo hiểm đưa toàn bộ danh sách đóng hàng tháng và bảo hiểm ra quyết định hỗ trợ ngay. Văn bản cũng quy định, khi cơ quan bảo hiểm nhận được hồ sơ thì phải xử lý ngay trong 2-3 ngày, không đồng ý cũng phải trả lời ngay cho người sử dụng lao động.

Thủ tướng thông qua gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, thủ tục giải ngân đơn giản nhất - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung. Ảnh: Minh Khánh

Thứ 3 là đảm bảo tính khả thi, trong đó các đối tượng được hỗ trợ chủ yếu hỗ trợ một chính sách. Trừ trường hợp đặc biệt là phụ nữ mang thai, người đang nuôi dưỡng trẻ em và trẻ em bị mắc Covid-19 hoặc phải cách ly.

Thứ 4 là phát huy tính chủ động của các cấp các ngành, phân bổ ngân sách theo phân công, phân nhiệm.

Nghị quyết cũng nêu rõ tỷ lệ đảm bảo nguồn chi để thực hiện chính sách. Ví dụ với các tỉnh khó khăn, ngân sách Trung ương đảm bảo 80%.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, về lao động tự do, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh phải lo nhóm đối tượng này vì đây là đối tượng bị ảnh hưởng sâu bởi dịch bệnh và khó triển khai nhất. Thực tiễn triển khai Nghị quyết 42 có những tổ trưởng dân phố cho hay, họ phải đi tới 8-9 lần để khảo sát mới hỗ trợ được bởi nhóm đối tượng này thường xuyên biến động, thay đổi nơi cư trú liên tục... Chính phủ có chủ trương hỗ trợ nhóm này nhưng giao toàn quyền cho địa phương căn cứ vào ngân sách, chủ động tiêu chí...

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, liệu có thực hiện song song 2 chính sách là Nghị quyết 42 và Nghị quyết 68 hay không, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, tổng số chính sách hỗ trợ từ khi có đại dịch tới nay theo tập hợp thì ước tính khoảng 160.000 tỷ đồng, trong đó riêng Nghị quyết 42 là 14,4 triệu người được thụ hưởng với ngân sách nhà nước hỗ trợ 13.000 tỷ.

"Hai gói không chạy song song. Gói theo Nghị quyết 42 là ngắn hạn và hết hiệu lực vào 31/12/2020, số tiền còn lại đã chuyển sang công việc khác"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu.

Nhiều nhóm chính sách

Nghị quyết 68 của Chính phủ cũng đề ra nhiều nhóm chính sách. Cụ thể là:

Chính sách thứ nhất: Giảm mức đóng bảo hiểm xã hội về tai nạn nghề nghiệp. Hiện quy định là người sử dụng lao động đóng 0.5% thu nhập cho quỹ này. Theo Nghị quyết 68, nhà nước quyết định giảm mức phí này trong 12 tháng, nghĩa là không phải đóng tiền nhưng nếu có rủi ro xảy ra, người lao động vẫn được đảm bảo quyền lợi. 11 triệu người sẽ được thụ hưởng chính sách này. Toàn bộ số tiền được giảm đóng người sử dụng lao động phải dùng để chi trả cho người lao động.

Chính sách thứ hai: Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Chính sách này tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 42 nhưng mức tiêu chí giảm nhiều so với Nghị quyết 42. Thời gian áp dụng là 12 tháng.

Chính sách thứ ba: Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Chính sách thứ tư: Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ một lần như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.

Chính sách thứ năm: Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.

Chính sách thứ sáu: Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

Chính sách thứ bảy: Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em

Người lao động tại điểm 4, 5, 6 Mục II đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha.

Trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được ngân sách nhà nước đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn theo quy định tại điểm 8 Mục II Nghị quyết này; được ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Chính sách thứ tám: Hỗ trợ người lao động trong các đơn vị hoạt động nghệ thuật phải nghỉ để phòng chống dịch. Mức hỗ trợ là 3,7 triệu đồng/người. Đây là hỗ trợ người làm nghệ thuật giữ chức danh hạng 4, lương ở mức khởi điểm là 1,6 và họ mất việc từ 15 ngày trở lên. Tổng số lao động có khoảng 2.000 người trên cả nước.

Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch (được cấp thẻ hành nghề, bị ảnh hưởng sâu, mất việc từ 15 ngày trở lên).

Chính sách thứ chín: Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0), từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày.

Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.

Chính sách thứ 10: Hộ kinh doanh bị ảnh hưởng vì Covid-19, mức hỗ trợ ấn định là 3 triệu đồng/lần.

Chính sách thứ 11: Cho vay trả lương ngừng việc: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Cho vay trả lương phục hồi sản xuất: Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Chính sách thứ 12: Hỗ trợ người lao động tự do. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của các địa phương để xây dựng chính sách cụ thể nhưng không ít hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng hoặc mức 50.000 đồng/người/ngày...

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho hay, người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II là gần 1,2 triệu người - tăng 87.000 người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2021 là 2,62% - tăng 0,2% so với quý trước.Tính chung 6 tháng đầu năm, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,1 triệu người, tăng hơn 100.000 người so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong hơn 70.000 đóng cửa trong 6 tháng đầu năm có: 35.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%.

Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tương đương gần 400 doanh nghiệp/ngày)./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ