Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh về việc bồi thường, thiệt hại, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân 4 tỉnh miền Trung sau sự cố do Formosa gây ra và công tác kiểm tra giám sát Fomosa khắc phục 53 lỗi vi phạm bảo đảm không tái phạm và xảy ra sự cố khi vận hành, bảo đảm an toàn cho môi trường biển, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sự cố môi trường biển từ tháng 4/2016 tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là hết sức nghiêm trọng; gây thiệt hại đối với hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã/phường/thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc 04 tỉnh miền Trung.
Ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sâu sát các Bộ, ngành trung ương, các địa phương liên quan vào cuộc kịp thời, đồng bộ để sớm tìm nguyên nhân xảy ra sự cố; chỉ đạo khôi phục sản xuất; xây dựng chính sách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống; triển khai khẩn trương công tác kê khai và xác định thiệt hại đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, dân chủ.
Để giúp người dân ổn định cuộc sống ngay khi sự cố xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp gạo và tiền cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển (Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 9/5/2016 và Quyết định 1138/QĐ-TTg ngày 25/6/2016) với tổng số kinh phí là 282,36 tỷ đồng.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, các địa phương liên quan triển khai ngay công tác xác định, thống kê thiệt hại của người dân; ban hành Định mức bồi thường thiệt hại (Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 và Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 9/3/2017). Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường do Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình làm Trưởng Ban.
Trên cơ sở kết quả thống kê thiệt hại, định mức xác định thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp kinh phí 3 đợt với tổng số tiền 5.500 tỷ đồng cho 4 tỉnh để chi trả bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Tính đến ngày 30/5/2017, công tác chi trả của 4 tỉnh đã được triển khai hiệu quả, đảm bảo đúng các nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tỷ lệ giải ngân chi trả đạt trung bình 84%. Căn cứ tiến độ này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp kinh phí lần thứ 4 với số tiền 1.500 tỷ đồng để các tỉnh tiếp tục chi trả nốt.
Đến nay, nhìn chung tình hình an ninh trật tự xã hội tại 4 tỉnh miền Trung đã ổn định, hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các hoạt động du lịch tại 4 tỉnh miền Trung đã hoạt động trở lại bình thường, thậm chí tại một số thời điểm số lượng khách du lịch đến với 4 tỉnh tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước. Người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản; hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi. Người dân, xã hội đồng tình, ủng hộ và tin tưởng vào sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành và chính quyền địa phương.
Bên cạnh công tác chi trả tiền bồi thường, thiệt hại, về mặt lâu dài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 12/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”.
Một số kết quả chính đã đạt được trong thời gian qua như sau: Tính đến ngày 7/6/2017, 4 tỉnh đã giải ngân được 4.599,70 tỷ đồng bằng 65,7% tổng kinh phí được tạm cấp (7.000 tỷ đồng), cụ thể: Hà Tĩnh: 1.222 tỷ đồng đạt 67,5%; Quảng Bình: 2.102,5 tỷ đồng đạt 67,5%; Quảng Trị: 633,13 tỷ đồng đạt 62,3%; Thừa Thiên Huế: 642,5 tỷ đồng đạt 63,6%.
Tổng số hải sản lưu kho sau khi phân lô, lấy mẫu, kiểm nghiệm được thu mua từ tháng 4/2016 đến tháng 8/2016 tại 4 tỉnh là 6.769,33 tấn (trong đó hải sản đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP): 5.644,29 tấn và hải sản không đảm bảo ATTP: 1.125,04 tấn). Đến nay, 4 tỉnh đã tiêu hủy và bồi thường 100% giá trị đối với 1.125,04 tấn hàng hải sản lưu kho không đảm bảo ATTP (Hà Tĩnh: 306,09 tấn; Quảng Bình: 639,5 tấn; Quảng Trị: 159,65 tấn; Thừa Thiên Huế: 21,948 tấn); hỗ trợ 30% giá trị đối với 5.644,29 tấn hàng hải sản lưu kho đảm bảo ATTP, các địa phương và chủ hàng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, kịp thời hướng dẫn xử lý hải sản chết bất thường, hướng dẫn nuôi trồng, khai thác thủy sản, giám sát ATTP và sản xuất muối; từ quý III/2016, điều động lực lượng Kiểm ngư trung ương hỗ trợ, phối hợp tăng cường tuần tra, giám sát, vận động ngư dân không khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào bờ; phân bổ số lượng và ban hành Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá tại 04 tỉnh miền Trung.
Bộ Y tế đã thực hiện lấy mẫu giám sát chất lượng, ATTP đối với hải sản tầng đáy; chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát lập danh sách người dân bị ảnh hưởng và mua thẻ bảo hiểm y tế năm 2017-2018.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo đưa 17.747 lao động đi làm việc ở nước ngoài (từ 1/6/2016 đến 31/5/2017) tại các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản tập trung vào các ngành nghề: thuyền viên tàu cá, sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp và làm công việc dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn 4 tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non, phổ thông và sinh viên đại học bị ảnh hưởng.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng cho vay 208,93 tỷ đồng để thu mua tạm trữ 7.302 tấn hải sản, đến cuối tháng 2 năm 2017, đối tượng vay vốn đều đã trả hết nợ vay; tính đến ngày 15/5/2017, đã hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho 7.707 khách hàng, với tổng số tiền 1.562 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ chi trả bồi thường, hoàn thành đúng thời hạn; tiếp tục rà soát, xem xét bổ sung và cấp kinh phí bồi thường thiệt hại; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo Đề án tổng thể được phê duyệt; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước khắc phục sự cố môi trường biển, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống người dân; đảm bảo an ninh trật tự tại 4 tỉnh.
Nước thải của FHS đã đạt quy chuẩn
Về công tác kiểm tra, giám sát Fomosa khắc phục các tồn tại, vi phạm, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng kỹ thuật đánh giá việc khắc phục hậu quả vi phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Hà Tĩnh (FHS) và thành lập Tổ giám sát thực hiện cam kết khắc phục sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung của FHS. Tổ giám sát có trách nhiệm thường xuyên giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện của FHS trong thời gian 3 năm.
Từ ngày 27/7/2016, hàng ngày Tổ giám sát vẫn giám sát việc FHS, phối hợp với Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lấy, phân tích mẫu nước thải trước xử lý của các trạm xử lý nước thải, lấy mẫu nước thải sau xử lý của các trạm xử lý nước thải và tại trạm quan trắc online trước khi xả ra biển. Kết quả phân tích cho thấy các mẫu nước thải sau xử lý của Trạm xử lý nước thải công nghiệp trước khi xả ra biển của FHS đều đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép. Đồng thời, ngày 26/7/2016 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa 2 Trạm kiểm định môi trường di động lắp đặt tại Trạm xử lý nước thải công nghiệp của FHS để giám sát nước thải của Công ty trước khi thải ra biển 24/24 giờ trong thời gian là 3 năm.
Ngày 9/11/2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 2604/QĐ-BTNMT phê duyệt Kế hoạch, lộ trình khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường và kế hoạch giám sát môi trường của FHS; đảm bảo chất thải của FHS phải được quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tính đến ngày 10/5/2017, FHS đã hoàn thành các hạng mục công trình xử lý chất thải bổ sung, công trình giám sát, phòng ngừa sự cố môi trường, đã được lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động liên tục, có camera theo dõi, giám sát và truyền trực tiếp các số liệu quan trắc nước thải về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường để kiểm tra, giám sát. Hệ thống phòng ngừa và ứng phó sự cố nước thải theo 3 cấp độ: (i) Ứng phó sự cố ngay trong các công đoạn của trạm xử lý nước thải, (ii) Ứng phó sự cố đối với trạm xử lý nước thải, (iii) Ứng phó sự cố đối với hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học.
Trên cơ sở giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt, Hội đồng liên ngành đã đồng ý FHS được vận hành thử nghiệm Lò cao số 1 và Xưởng luyện thép. Ngày 29/5/2017, FHS đã vận hành thử nghiệm Lò cao số 1, ngày 1/6/2017 đã vận hành thử nghiệm Xưởng luyện thép và đến ngày 12/6/2017 FHS đã sản xuất được 1.016 tấn thép thương mại đầu tiên.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh giám sát chặt chẽ quá trình vận hành thử nghiệm của Công ty. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì kết quả quan trắc online và giám sát hàng ngày cho thấy nước thải và khí thải phát sinh của FHS đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi xả thải ra ngoài môi trường.
P V