• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: "Ưu tiên hơn nguồn lực ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa"

Thời sự 10/11/2020 14:20

(Tổ Quốc) - Nhắc lại câu nói của Bác Hồ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát, trình Quốc hội ưu tiên hơn nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) với cơ chế, chính sách phù hợp; cũng như xã hội hóa nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Sáng nay (10/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu trước Quốc hội.

Bài học từ "câu chuyện bó đũa"

Bày tỏ cảm ơn và cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến thảo luận, chất vấn của các ĐBQH, Thủ tướng nhấn mạnh, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Thủ tướng: "Ưu tiên hơn nguồn lực NSNN cho phát triển văn hóa" - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên chất vấn sáng 10/11.

Tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Tính chung trong gần nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 145%.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Nhiều địa phương đã vươn lên trở thành những động lực kinh tế quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước, có địa phương đã đạt mức tăng trưởng GDP kỷ lục trong hàng thập niên, kể cả trong bối cảnh đại dịch Covid 19.

Trong khó khăn, bài học từ "câu chuyện bó đũa", từ lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã cho thấy sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tinh thần đó một lần nữa đã được khẳng định trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt năm 2020 khi Việt Nam đối diện, kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid 19, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Với những thành tựu đạt được trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng có tiếng nói, trách nhiệm lớn hơn trong những vấn đề khu vực và toàn cầu. Những kết quả này là thành tựu chung của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Ưu tiên hơn nguồn lực cho phát triển văn hóa

Cũng theo Thủ tướng, ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ kính yêu đã từng nói rất sâu sắc rằng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đảng và Nhà nước ta đã kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và luôn coi văn hóa – nghệ thuật là bản sắc, là yêu cầu của sự phát triển bền vững, trường tồn.

Tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội về lĩnh vực văn hóa, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát, trình Quốc hội ưu tiên hơn nguồn lực NSNN với cơ chế, chính sách phù hợp; cũng như xã hội hóa nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tốt đẹp, toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng và trong toàn xã hội; rà soát lại các quan hệ xã hội liên quan đến văn hóa, đạo đức truyền thống để bảo vệ nền tảng giá trị bằng giáo dục và bằng pháp luật.

Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các vi phạm pháp luật về văn hóa, đạo đức xã hội. “Cần tôn vinh gương người tốt, việc tốt; phê phán những hành vi vô trách nhiệm, thiếu văn hóa; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên của người dân Việt Nam” - Thủ tướng nói.

Thách thức lớn nhất chính là thiếu ý chí vươn lên

Thủ tướng cũng cho biết, mọi thành quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020 trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho đến đối ngoại, quốc phòng và an ninh, là thành quả và quyết tâm chung của toàn bộ hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp cũng như nỗ lực của gần 100 triệu người dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Thủ tướng: "Ưu tiên hơn nguồn lực NSNN cho phát triển văn hóa" - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

“Nhân dân luôn là trung tâm trong mọi hoạch định chính sách, quyết nghị của chúng ta. Ý Đảng - Lòng Dân chính là kim chỉ nam, cội nguồn sức mạnh để chúng ta vững bước tiến lên” - Thủ tướng nói rõ.

Nói về mục tiêu tăng trưởng 2021 khoảng 6%, Thủ tướng cho biết, Chính phủ nhận thấy mức tăng trưởng này còn khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước và nhất là xuất phát từ mức thấp của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, cùng với những căng thẳng, diễn biến chính trị khó lường trong khu vực và trên thế giới, có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực tới triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam.

“Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất của chúng ta không phải là tụt hậu về kinh tế; mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẳng định đất nước và dân tộc ta đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới, Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta phải có trách nhiệm làm cho Việt Nam trở nên hùng cường, biến những ước mơ, khát vọng trở thành hiện thực”.


Về lĩnh vực Y tế, Thủ tướng yêu cầu cần kiểm soát tình trạng thương mại hóa quá mức, “tiền nào của nấy” về chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe y tế cho nhân dân. Chính phủ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế gắn với cơ chế tiền lương, viện phí.

Để khắc phục hiện tượng thiên tai, biến đổi khí hậu và thời tiết diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, với tần suất dày hơn, Thủ tướng cho rằng, dù bất luận nguyên nhân trực tiếp là gì thì chúng ta vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên một cách nghiêm ngặt. “Tôi đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có các khu đô thị” - Thủ tướng nói.

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, Thủ tướng cho rằng cần trao cơ hội cho tư nhân tham gia nhiều hơn nữa vào hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục chất lượng cao hướng đến chuẩn mực quốc tế. Các trẻ em khó khăn phải được sự trợ giúp của Nhà nước để việc học tập, phát triển bản thân không bị gián đoạn. Trước mắt, chúng ta phải tập trung chăm lo cho trẻ em, học sinh khu vực miền Trung - nơi vừa chịu tác động nặng nề của bão lũ.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ