(Tổ Quốc) - Nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc và hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, ngày 21/9 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới tham quan Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE); chủ trì tọa đàm bàn tròn với các giáo sư, học giả một số trường đại học vùng Đông Bắc Hoa Kỳ như Đại học Harvard, Đại học Columbia, Đại học New York, Đại học Yale về “Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế toàn cầu biến động” và tọa đàm, ăn trưa làm việc với các nhà đầu tư lớn của Hoa Kỳ.
Nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc và hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, sáng 21/9 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới tham quan Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) và rung chuông khai mạc phiên giao dịch tại sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới này.
Thành phố New York nổi tiếng với hai thị trường chứng khoán là NYSE có tính đại chúng hơn và NASDAQ - nơi chuyên niêm yết cổ phiếu về công nghệ cao-công nghệ thông tin.
Một trong những hình ảnh quen thuộc nhất của Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) trên các bản tin tài chính là tiếng chuông lớn, báo hiệu việc mở hoặc đóng cửa giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới.
Theo thông tin từ NYSE, việc rung chuông không chỉ là một truyền thống đầy màu sắc, mà rất quan trọng đối với hoạt động của thị trường, nhằm đảm bảo không có giao dịch nào diễn ra trước khi mở cửa (9h30) hoặc sau khi đóng cửa (16h).
Phó Chủ tịch NYSE John Tuttle đón và bày tỏ vui mừng gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sàn chứng khoán. Sau đó, hai bên có một cuộc gặp ngắn trước khi ra nơi đặt công tắc rung chuông khai mạc thị trường.
Thủ tướng Chính phủ bày tỏ vinh dự lần thứ hai được mời đến thăm và rung chuông khai mạc phiên giao dịch tại Sàn Chứng khoán New York; bày tỏ ấn tượng về NYSE, với vốn hóa lên đến 40.000 tỷ USD.
Thủ tướng đề nghị trên cơ sở mối quan hệ nồng ấm về chính trị giữa hai nước, nhất là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, NYSE thông tin tới các nhà đầu tư về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam; hỗ trợ kết nối giữa thị trường chứng khoán Việt Nam với NYSE và các sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu thế giới; hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Trong tiếng vỗ tay vang dội khắp sàn chứng khoán, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn chuông khai mạc. Khi từng hồi chuông vang lên trong tiếng vỗ tay, hò reo đầy hứng khởi của các giao dịch viên và những người có mặt.
Cũng trong sáng 21/9 (giờ địa phương) tại thành phố New York, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm bàn tròn với các giáo sư, học giả một số trường đại học vùng Đông Bắc Hoa Kỳ như Đại học Harvard, Đại học Columbia, Đại học New York, Đại học Yale về “Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế toàn cầu biến động.”
Mở đầu tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ thông tin đến các đại biểu quá trình lịch sử quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, gần đây nhất là việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển Bền vững, trong đó Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; ủng hộ một nước Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng."
Phân tích tình hình thế giới hiện nay, Thủ tướng cho rằng thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt dự báo, trong đó nổi bật là các vấn đề dịch bệnh, cạnh tranh chiến lược, khó khăn về kinh tế, biến đổi khí hậu, an ninh mạng…
Trước tình hình đó, Việt Nam nỗ lực tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Nhờ đó tại Việt Nam, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; tăng trưởng được thúc đẩy; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bội chi ngân sách và nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt.
Thủ tướng cho biết bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế như sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, lạm phát vẫn chịu nhiều sức ép, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hiện nay, Việt Nam tiếp tục kiên định, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó ưu tiên hơn cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời tập trung thúc đẩy ba động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Đặc biệt chú trọng tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng, nhất là những ngành mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), thương mại điện tử, thành phố thông minh, chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
Tại tọa đàm, các giáo sư, học giả và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam thảo luận sôi nổi, đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu, các biện pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng; giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao sức chống chịu và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đề xuất giải pháp vượt qua các thách thức, phát triển bền vững.
Các giáo sư Hoa Kỳ đánh giá cao khả năng xử lý khủng hoảng như phòng chống dịch COVID-19, suy giảm kinh tế toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng… của Việt Nam.
Trưa 21/9 theo giờ địa phương, tại thành phố New York, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tọa đàm, ăn trưa làm việc với các nhà đầu tư lớn của Hoa Kỳ.
Tại cuộc tọa đàm, lãnh đạo các nhà đầu tư lớn của Hoa Kỳ đều bày tỏ vui mừng trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất và hiệu quả, trong đó, hợp tác kinh tế-đầu tư-thương mại chiếm vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai bên và luôn được quan tâm thúc đẩy phát triển toàn diện.
Các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, đề xuất những giải pháp, kế hoạch để thúc đẩy mở rộng hoạt động hợp tác đầu tư với Việt Nam, góp phần hiện thực hóa những mục tiêu mà hai nước đã đề ra trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden vừa qua.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là một hình mẫu trong trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn vết thương và xây dựng quan hệ sau chiến tranh.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển Bền vững.
Trong Tuyên bố Chung về việc nâng cấp quan hệ, cùng với những lĩnh vực hợp tác truyền thống lâu nay, một số trọng tâm hợp tác mới được Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất và quan tâm thúc đẩy, trong đó, đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư hiệu quả, hài hòa, bền vững là nền tảng cốt lõi, động lực quan trọng và “động cơ vĩnh cửu” cho quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Bên cạnh trọng tâm hợp tác kinh tế, hai bên cũng xác định khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá và “không có giới hạn” như phát biểu của Tổng thống Joe Biden.
Cùng với đó, giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa cũng là lĩnh vực hợp tác quan trọng.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, tìm kiếm người mất tích, rà phá bom mìn, tẩy độc da cam/dioxin…
Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Chiều 21/9, tại New York, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Khí hậu John Kerry.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao sự ủng hộ quý báu của Đặc phái viên John Kerry trong việc thu xếp thành công chuyến thăm và việc hai nước xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh đã trao đổi với Đặc phái viên John Kerry về các biện pháp để nhanh chóng triển khai các thỏa thuận quan trọng của chuyến thăm nhất là trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu; đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cũng như thực hiện thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), nhất là hỗ trợ Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Đặc phái viên John Kerry cho biết Tổng thống Joe Biden hết sức ấn tượng và trân trọng sự đón tiếp trọng thị, thân tình, chu đáo của Việt Nam trong chuyến thăm vừa qua.
Đặc phái viên John Kerry khẳng định Hoa Kỳ nhất quán coi trọng quan hệ với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam phát huy vai trò dẫn dắt trong các nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ghi nhận các đề xuất của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng tăng cường hợp tác giữa hai nước về ứng phó biến đối khí hậu và chuyển đổi năng lượng, Đặc phái viên John Kerry cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong việc phát triển năng lượng sạch, mạng lưới truyền tải điện thông minh, hạ tầng cơ sở bền vững.
Chiều 21/9 (giờ địa phương), tại trụ sở Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Trong cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò và đóng góp của Tổng Thư ký và Liên hợp quốc cho hòa bình, ổn định, an ninh quốc tế, giải quyết các điểm nóng, đồng thời khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực đó.
Thủ tướng Chính phủ ủng hộ các ưu tiên hiện nay của Tổng Thư ký, trong đó có tiến trình chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai dự kiến tổ chức năm 2024, Sáng kiến về “Chương trình Nghị sự Mới về Hòa bình,” Kế hoạch thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và Ứng phó với Biến đổi Khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, với thiên tai, hạn hán, lũ lụt, sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn ở cả ba miền đất nước, nhất là ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Từ đó, Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng thúc đẩy công bằng và công lý, đồng thời các nước đang phát triển cần được ưu tiên hỗ trợ về vốn, công nghệ, đào tạo, quản trị.
Tổng thư ký cảm ơn sự hợp tác và ủng hộ tuyệt vời của Việt Nam dành cho Liên hợp quốc trên tất cả các lĩnh vực hoạt động ưu tiên, đặc biệt là gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người..., nhất là những cam kết mạnh mẽ về thực hiện SDG, hành động khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Guterres hoàn toàn chia sẻ các quan điểm Việt Nam về đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy phát triển bền vững và cải tổ các thể chế tài chính quốc tế để hỗ trợ các nước đang phát triển.
Tổng Thư ký chúc Chính phủ và Nhân dân Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu về hòa bình, thịnh vượng và có đóng góp quan trọng cho thế giới và Liên hợp quốc.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng mời Tổng Thư ký Antonio Guterres thăm lại Việt Nam./.