(Tổ Quốc) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bình Dương coi trọng phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cho văn hóa, giáo dục, xã hội, môi trường, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Chiều 3/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn và các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Trước đó, trong buổi sáng, Thủ tướng đã khảo sát, nghe báo cáo về một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có tính liên vùng trên địa bàn, gồm tuyến đường cao tốc TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; tuyến đường sắt Bàu Bàng-Thị Vải, Cái Mép; quy hoạch tuyến Metro Suối Tiên-Thành phố Mới Bình Dương–Bàu Bàng; tuyến Vành đai 3 TPHCM, vành đai 4 TPHCM, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh.
Thủ tướng cũng tới khảo sát dự án xây dựng mở rộng Nhà máy của Công ty TNHH PaiHong tại Khu công nghiệp Bàu Bàng; kiểm tra, khảo sát dự án Bệnh viện Đa Khoa Bình Dương mới tại TP. Thủ Dầu Một hiện đang chậm tiến độ.
Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động đi lên
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương các thành tựu, kết quả của tỉnh trong năm 2022, đánh giá cao Bình Dương đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động đi lên trong thời gian qua và cần tiếp tục phát huy tinh thần này trong thời gian tới.
Tỉnh có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, có đầy đủ yếu tố phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Bình Dương luôn là tỉnh năng động, có kinh tế và công nghiệp phát triển, được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn gắn bó để phát triển. Giai đoạn gần đây Bình Dương luôn nằm trong nhóm tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ.
Thủ tướng nhấn mạnh tình hình thời gian tới còn khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, nhiều yếu tố bất ngờ, khó dự báo. Do đó, phải luôn bám sát, nắm chắc tình hình và hết sức linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành.
"Bình Dương phải phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm, toàn diện, bền vững, không để ai ở lại phía sau; góp phần phát triển vùng Đông Nam Bộ, cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân", Người đứng đầu Chính phủ phát biểu.
"Phải xem công việc của doanh nghiệp như việc của mình, xem khó khăn của họ như việc của mình"
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tỉnh bám sát, nắm chắc tình hình để tập trung, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhấn mạnh trong lúc này, phải ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, "doanh nghiệp phát triển thì tỉnh mới phát triển được", Thủ tướng yêu cầu tỉnh rà soát, trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp có liên quan tới bất động sản, phát hành trái phiếu, khó khăn tiếp cận vốn… để cùng các doanh nghiệp đánh giá tình hình, phân loại và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tái cơ cấu lại doanh nghiệp.
Thủ tướng lưu ý, kinh tế thị trường phải tuân thủ quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết, lúc tình hình không bình thường, đó là định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Phải xem công việc của doanh nghiệp như việc của mình, xem khó khăn của họ như việc của mình, xem thành công của họ như thành quả của chính mình. Càng trong khó khăn càng phải phối hợp chặt chẽ, mỗi người, mỗi bên cùng cố gắng, chia sẻ, thậm chí hy sinh trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân", Thủ tướng nói.
Tỉnh cần khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ; thúc đẩy công tác tiêm chủng vaccine, phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng đề nghị Bình Dương quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch trong tháng 6/2023 theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm.
Không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bình Dương coi trọng phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cho văn hóa, giáo dục, xã hội, môi trường, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, mặc dù đây cũng là sức ép lớn với tỉnh.
Cùng với đó, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh mở chiến dịch thúc đẩy giải ngân đầu tư công tới ngày 31/1/2023, "kiên quyết không để tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết vốn được giao, trong khi nhiều dự án có khả năng giải ngân tốt nhưng không bố trí đủ vốn".
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh đẩy mạnh triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; phối hợp triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; tổ chức tổng kết năm 2022, xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ năm 2023…
Về các đề xuất, kiến nghị của Bình Dương, Thủ tướng cơ bản đồng tình với ý kiến của các bộ, ngành. Cho ý kiến đối với từng kiến nghị cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Bình Dương để giải quyết, trên cơ sở đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình chung và đặt trong mối quan hệ với cả vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Thủ tướng nêu rõ, phải chung tay để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển, "không vướng mắc nào là không thể xử lý với tinh thần làm việc thực chất, hiệu quả, nói đi đôi với làm, cầu thị lắng nghe, không ngần ngại, câu nệ gì cả, miễn là mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân".