• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL chấn chỉnh, xử lý sai phạm, phản cảm tại lễ hội

Thời sự 03/02/2017 19:44

(Tổ Quốc)- Thông tin được Người phát ngôn Chính phủ đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 1/2017

Chiều tối 3/2, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Giảm 70% các tỉnh về Hà Nội chúc Tết

ảnh: Nam Nguyễn

Thông tin với báo giới về phiên họp Chính phủ đầu tiên trong năm 2017, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp lần này, Chính phủ tập trung kiểm điểm tình hình dịp Tết Nguyên đán 2017; tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 và triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2017.

Bộ trưởng cho biết, các ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, nhìn chung, Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017 được tổ chức đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn; tạo không khí vui mừng, phấn khởi, tin tưởng trên khắp cả nước.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về căn cứ đánh giá việc các tỉnh về Hà Nội chúc tết đã giảm tới 70% so với năm trước, ông Mai Tiến Dũng cho biết: "Đưa ra con số 70% và nói 30% con số còn lại là để quyết tâm thực hiện trong năm 2018, điều này muốn nói rằng Chính phủ quyết liệt hành động. Thủ tướng đã có chỉ thị, sau đó các cơ quan đã đưa ra các chỉ đạo là không tiếp khách đến chúc Tết. Trước Tết tôi cũng đã ký công văn yêu cầu không chúc tết lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Tôi nghĩ rằng nếu mình không ký công văn như vậy thì cũng tạo tâm lý e ngại cho anh em cấp dưới, là truyền thống chúc tết như vậy nên năm nay không chúc cũng khó coi, nhưng khi tôi ký như vậy thì anh em không phải e ngại nữa. Anh em taxi có nói rằng anh em thất thu vì năm nay người ta ít lên Hà Nội chúc tết. 70% là con số ước lượng, nhưng con số có thể hơn, ví dụ như tại Văn phòng Chính phủ năm nay không có người nào đến chúc tết và tặng quà. Tôi kể một câu chuyện, đồng chí Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh muốn lên báo cáo về việc Samsung xin mở rộng đầu tư, tôi nói ngay là thôi anh không phải lên vì lên trước tết thì người ta lại nghĩ là anh lên quà cáp gì đấy, còn công việc thì tôi báo cáo Thủ tướng và xử lý ngay"

Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, gia đình chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội… được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời, thiết thực. Cụ thể, đã chuyển 2 triệu phần quà tết đến các gia đình có công với cách mạng, đối tượng chính sách, cấp phát 14.000 tấn gạo cho người nghèo trước dịp Tết.

Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông được tổ chức rộng khắp, phong phú, đáp ứng là “món ăn” tinh thần trong những ngày nghỉ Tết. Đây là năm đầu tiên không tổ chức bắn pháo hoa tại các địa phương nhưng có nhiều hoạt động lành mạnh 'bù đắp' tạo không khí vui tươi, phấn khởi.

Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao các bộ, cơ quan, địa phương cùng các lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giảm hẳn việc các địa phương về Thủ đô chúc Tết bộ, ngành Trung ương, tập trung phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền trong không khí đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm hơn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận còn những điểm cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong những năm tới, nhất là về ùn tắc và tai nạn giao thông, đua xe trái phép, đốt pháo, cờ bạc, lãng phí vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.

Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bắt tay ngay vào công việc, cấm dùng xe công, giờ hành chính đi lễ hội, đền chùa.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao cả về  chủ trương, nguồn vốn, mô hình, cơ chế, chính sách...  "Ngay thứ 2 tuần tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị của Chính phủ về phát triển ngành nuôi tôm chất lượng cao tại ĐBSCL. Thủ tướng cũng yêu cầu chuẩn bị triển khai tổ chức hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ hai. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, không để tiếp tục tình trạng cổ phần hóa nhưng tỉ lệ vốn Nhà nước bán ra ở mức thấp…", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.

Báo giới đặt câu hỏi tại buổi họp báo (ảnh: Nam Nguyễn)

Chưa bàn việc gộp "tết ta" vào "tết tây'

Trước vấn đề đặt ra nên “gộp” “tết ta” vào “tết tây”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, “Chính phủ chưa nhận được báo cáo, kiến nghị của tổ chức, cá nhân nào về việc này. Nước ta có Tết cổ truyền dân tộc, ngày nghỉ được ghi trong Luật Lao động, trong đó được nghỉ Tết Dương lịch, ngày Quốc tế Lao động 1/5, ngày Quốc khánh 2/9, Tết cổ truyền… Tết cổ truyền là truyền thống văn hoá, nét đẹp của Việt Nam, đi vào tiềm thức, chúng ta phải giữ. Chưa cơ quan quản lý Nhà nước nào đặt vấn đề như phóng viên nêu. Đây là suy nghĩ cá nhân của một số chuyên gia nên ta chưa thảo luận, Chính phủ hiện cũng không đặt vấn đề gì cả.

Liên quan đến hệ quả của quyết định kỷ luật nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Người phát ngôn Chính phủ cho biết: “Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ và Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất các chế tài tương đương và hiện nay các Bộ đang làm việc này.

Trước đó, Ban Bí thư đã có quyết định kỷ luật nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng, yêu cầu các cơ quan nhà nước thi hành kỷ luật đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Ngay trước thời điểm nghỉ Tết, Chính phủ đã quyết định xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng. 

ảnh: Nam Nguyễn

“Tháng Giêng có nhiều lễ hội và thực tế đã xuất hiện nhiều tiêu cực, Chính phủ có biện pháp gì để giảm thiểu những hình ảnh xấu trong các lễ hội?”, trả lời câu hỏi này ông Mai Tiến Dũng cho biết, theo báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ thì các lễ hội diễn ra khá tốt, giữ đúng các quy định, quy chế và thuần phong mỹ tục của địa phương. Tuy nhiên, ngày 2/2 vừa qua tại lễ hội ở đền Gióng xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, cướp lộc, gây phản cảm. Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo chung rút kinh nghiệm cho thành phố.

"Ngay tại phiên họp thường kỳ tháng 1, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, các địa phương tăng cường thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những sai phạm, hình ảnh phản cảm tại các lễ hội"./.

Thành Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ