• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh tình trạng cán bộ nói hay, làm dở, không để đến khi vi phạm phải xử lý dẫn đến mất cán bộ

Thời sự 04/07/2019 10:40

(Tổ Quốc) - Sáng nay, tại phiên họp Chính phủ trực tuyến tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là phiên họp quan trọng nhằm đánh giá tình hình 6 tháng, về công tác điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.

Vẫn còn tình trạng cán bộ nói hay, làm dở, chuyển lòng vòng

Thủ tướng cho rằng, 6 tháng qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, xây dựng kịch bản tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân; đồng thời tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. Các cấp, ngành, bí thư, chủ tịch 63 tỉnh, thành cũng luôn sâu sát, giải quyết các vấn đề bức xúc, bảo đảm cuộc sống cho người dân.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã thực sự đi vào chiều sâu khi nhiều vụ tham nhũng lớn được phanh phui và xử lý nghiêm minh, tạo niềm tin cho người dân; nhiều vụ thanh tra lớn được kết luận trong 6 tháng đầu năm...

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh tình trạng cán bộ nói hay, làm dở, không để đến khi vi phạm phải xử lý dẫn đến mất cán bộ - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Chính phủ

Nhưng một số vấn đề nội tại nền kinh tế vẫn nổi lên, ảnh hưởng tới tăng trưởng, ổn định vĩ mô. Thủ tướng cũng phê bình việc cắt giảm điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ chưa có bước tiến thực chất, nhiều điều kiện kiểm tra chuyên ngành còn bất cập, gây ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Thủ tướng nhắc nhở: "Tình trạng nói hay, làm dở, chuyển lòng vòng, rồi cấp dưới kêu ca, người dân chờ đợi... vẫn còn. Các cấp các ngành cần chấn chỉnh ngay tình trạng này, không để đến khi vi phạm phải xử lý dẫn đến mất cán bộ...".

Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các địa phương tập trung vào những khó khăn, yếu kém để bàn kỹ, đưa ra quyết sách giải quyết, không để kéo dài. 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của các Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương cần có thái độ nhìn nhận nghiêm túc, không bàn lùi mà phải bàn tiến để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Du lịch diễn ra sôi động

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch, Đầu tư, 6 tháng qua, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng tích cực, ước đạt 8,93%, cao hơn dự kiến của kịch bản tăng trưởng đã đề ra (8,88%), trong đó riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,18%, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng chung toàn ngành và của nền kinh tế. 

Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng trưởng ổn định, ước đạt 6,89%, trong đó, đóng góp chủ yếu là ngành bán buôn, bán lẻ, ước tăng 8,48%, nhờ sức mua của thị trường được duy trì. Du lịch diễn ra sôi nổi, nhất là ở các trung tâm du lịch nghỉ mát do đang trong mùa cao điểm du lịch hè của khách trong nước. 

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh tình trạng cán bộ nói hay, làm dở, không để đến khi vi phạm phải xử lý dẫn đến mất cán bộ - Ảnh 2.

Các bộ trưởng, trưởng ngành tại phiên họp Chính phủ. Ảnh: Chính phủ

Bên cạnh đó, khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng khá, đạt gần 8,5 triệu lượt người, tăng 7,5% so với cùng kỳ, bình quân đạt trên 1,4 triệu lượt khách/1 tháng.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,64% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,29%), là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. 

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh, lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 1,96% và bình quân 6 tháng tăng 1,87% so với cùng kỳ là mức tăng khá cao, cần chú ý các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả.

Về các hoạt động văn hóa, thể thao, báo cáo nêu, thể thao thành tích cao Việt Nam giành nhiều huy chương trên các đấu trường quốc tế, Đội tuyển U23 Việt Nam giành quyền thi đấu vòng chung kết giải vô địch U23 châu Á. 

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật với nhiều sự kiện quy mô lớn được tổ chức và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đất nước, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân...

6 tháng cuối năm, Chính phủ tập trung vào các ngành dịch vụ tăng trưởng ổn định ở mức khá, nhưng dư địa còn nhiều, nhất là phát triển dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, dịch vụ tích hợp, ứng dụng công nghệ hiện đại; khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý và quản lý hiệu quả các hoạt động dịch vụ mới như casino, cá cược,…; thí điểm thành công các mô hình thanh toán mới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), áp dụng hiệu quả các công nghệ mới, giải pháp đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực ngân hàng;… 

Việc phát triển các dịch vụ mới kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch bền vững, có chất lượng, thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế và trong nước có thể giúp khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức cao hơn 7%, đáp ứng yêu cầu mục tiêu tăng trưởng trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Tận dụng tốt những thuận lợi từ các hiệp định thương mại thế hệ mới và đầu tư có hiệu lực; đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam như da giày, dệt may, sản phẩm thuỷ sản; thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu đi đôi phát triển thị trường trong nước để tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế.../.


Thái Tùng

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ