• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng yêu cầu đặt 3 câu hỏi mỗi khi quyết định chi tiêu

Thời sự 05/10/2016 09:02

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, chiều 4/10, thủ tướng nêu rõ, mỗi khi quyết định chi tiêu ngân sách phải đặt 3 câu hỏi. Đó là có tiết kiệm không, có lãng phí không, có hiệu quả không?

Thủ tướng yêu cầu đặt 3 câu hỏi mỗi khi quyết định chi tiêu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu: Chính sách thu chi ngân sách phải kích thích được sản xuất, khơi thông được nguồn lực, phù hợp với khả năng của nền kinh tế. Thủ tướng hoan nghênh Bộ Tài chính đi đầu trong khoán xe công cấp Thứ trưởng và Tổng Cục trưởng.

Sau phần thảo luận về kinh tế-xã hội trong chương trình phiên thường kỳ tháng 9 của Chính phủ vào chiều nay (4/10), Thủ tướng đã phát biểu kết luận, nêu rõ các kết quả cũng như các tồn tại, hạn chế, các giải pháp ngắn hạn trong những tháng cuối năm 2016 và định hướng năm 2017.

Thủ tướng nhấn mạnh thời gian qua, Chính phủ tập trung nhiều vào xây dựng thể chế; đã dành thời gian tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, ban hành nhiều quyết sách được người dân và doanh nghiệp hoan nghênh.

“Hình ảnh Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động bước đầu nhận được phản hồi tốt của người dân và doanh nghiệp. Tất nhiên, để xây dựng một Chính phủ như thế còn phải rất nhiều cố gắng”, Thủ tướng nói.

Khắc phục cách làm cũ không phù hợp với yêu cầu mới

Thủ tướng nêu thực tế, 9 tháng qua, mới đạt tăng trưởng 5,93%. Muốn đạt tăng trưởng 6,3-6,5% thì GDP quý IV phải tăng 7,1-7,3%. Mức này của năm 2016 đòi hỏi sự phấn đấu cao.

Thủ tướng yêu cầu: Mỗi thành viên Chính phủ phải có quyết liệt cụ thể hơn để chuyển biến tình hình, phải có cách làm mới tốt hơn nữa, khắc phục cách làm cũ không phù hợp của yêu cầu mới. Nhất là những tồn tại kéo dài như nợ xấu, nợ công, tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, sự chậm trễ phát triển các doanh nghiệp nội địa...

“Người ta nói, ở các nước tiên tiến phát triển như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, dấu hiệu đầu tiên của sự phát triển, tăng tốc, tức là những công trình đầu tư xây dựng phải làm nhanh, vượt mức. Còn ở ta, có tình trạng nhiều công trình ê a kéo dài. Đấy là điều phải khắc phục”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng cũng nêu rõ: Những vướng mắc trong pháp luật mà thuộc thẩm quyền của bộ và Chính phủ thì phải sửa ngay. Thủ tục gia nhập thị trường, rút khỏi thị trường phải dễ dàng, thuận lợi hơn. Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và các bộ liên quan rà soát lại quy trình đóng cửa doanh nghiệp. Thị trường có vào có ra thì xã hội mới phát triển.

“Hay vấn đề ngân sách, nợ công là vấn đề cấp bách và lâu dài. Chúng ta phải triển khai mạnh mẽ, cần có bước chuyển lớn trong tư duy quản lý ngân sách, quản lý tài sản công”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Không chủ quan những tháng cuối năm

Về các giải pháp cho năm 2016, Thủ tướng nêu rõ: Không được chủ quan, duy trì tốc độ phát triển, kiểm soát tốt lạm phát để không quá 5% như nghị quyết Quốc hội nêu. Ổn định vĩ mô là chủ trương nhất quán để tăng trưởng bền vững. Đồng thời nhắc lại cam kết không tăng phí, lãi suất, giá điện trong năm nay; điều hành giá xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đường, muối, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi… phù hợp.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành như ngành ngân hàng tiếp tục nghiên cứu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, kiểm soát chặt chẽ tín dụng, giảm thiểu nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định, bảo đảm hiệu quả thị trường ngoại hối. Nghiên cứu việc huy động lượng vốn trong dân để đi vào sản xuất.

Tiếp tục giám sát, theo dõi chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc và các tổ chức tín dụng yếu kém khác.

Bộ KH&ĐT bảo đảm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 60 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư.

“Tôi nói một số công trình các đồng chí lưu ý tiến độ giải ngân, như Bộ Y tế lưu ý mấy dự án tuyến cuối sử dụng từ nguồn cổ phần hóa; Bộ GTVT rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án của ngành, các công trình, dự án trọng điểm như dự án hầm đường bộ Đèo Cả, dự án nạo vét luồng sông Hậu…”, Thủ tướng nói và cho rằng nếu làm được vấn đề này thì cuối năm giải ngân rất lớn, góp phần tăng trưởng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương phối hợp với các bộ rà soát các Luật: Đầu tư công, Ngân sách Nhà nước, Xây dựng và các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong quản lý đầu tư, xây dựng, đầu tư công, ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sớm quy định nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn để triển khai chương trình này giai đoạn 2016-2020, để đời sống nông dân tăng lên.

Các bộ chủ quản 21 chương trình mục tiêu khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, trình Thủ tướng trong tháng 10 này.

Về tài chính, ngân sách, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế để đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu đến 31/12/2016 nợ đọng thuế không quá 5% so với tổng số thu của năm 2015.

Các bộ, địa phương sớm triển khai việc đền bù, hỗ trợ cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế theo các định mức đã quy định, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.

Tất cả các bộ, đặc biệt là Bộ Công Thương rà soát lại những biện pháp xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; khai thác tối đa thị trường trong nước; hỗ trợ đẩy nhanh việc tiêu thụ một số sản phẩm như than, phôi thép, thép xây dựng, phân bón, giấy, xi măng, hóa chất; thủy hải sản, các sản phẩm nông nghiệp.

Tái cơ cấu nông nghiệp rõ hơn. Với lâm nghiệp, đẩy mạnh trồng rừng ven biển, bảo vệ rừng, kiên quyết thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên.

Với công nghiệp-xây dựng, chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế, phấn đấu đạt mức như năm 2015 là 9,29%.

Phải quản lý chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai các chương trình giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản tốt hơn nữa trong chuỗi cung ứng.

Các bộ phải tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và cải cách doanh nghiệp Nhà nước.

Về vấn đề liên thông giữa cơ quan thuế và văn phòng đăng ký đất đai, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Bộ TN&MT hoàn thành sửa đổi quy định về thủ tục hành chính trong đăng ký, chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản. Thực hiện kết nối điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đề cao trách nhiệm của các cơ quan, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thủ tướng cũng nhấn mạnh nghiêm túc thực hiện quy định nghiêm cấm cán bộ công chức viên chức uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa...

Một vấn đề nữa là tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh. Mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân, đặc biệt vào thời điểm cuối năm.

Riêng về xử lý úng ngập ở đô thị, nhất là Hà Nội, TPHCM, Thủ tướng đề nghị 2 địa phương phải có phương án khả thi, thiết thực.

“Vừa rồi, tôi ký ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ mới, tôi đề nghị các thành viên Chính phủ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các đồng chí chuyên viên, vụ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, các đồng chí bộ trưởng phải xem, thực hiện nghiêm, đừng để tình trạng đùn đẩy nhiệm vụ, quy trình giải quyết công khai minh bạch”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Định hướng năm 2017

“Chúng ta đạt kết quả này là đáng mừng, nhưng đó chỉ là bước đầu quan trọng. Nhiều vấn đề cố hữu, trì trệ của nền kinh tế, phức tạp của nền kinh tế quy mô nhỏ vẫn đang rình rập. Vì vậy, năm 2017 và năm đầu nhiệm kỳ, tôi đề nghị, mỗi bộ cần dự thảo kế hoạch hành động của mình, với tinh thần tấn công, đột phá”, Thủ tướng nói.

“Ví dụ bong bóng bất động sản, có nguy cơ không, biện pháp chủ động nào? An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề xã hội đang quan tâm, cũng phải xử lý dứt điểm vấn đề này có kết quả đến nơi đến chốn. Hay chúng ta đang nói xã hội có năng suất lao động thấp, biên chế chưa giảm được bao nhiêu, phải có giải pháp nào? Đặc biệt là vấn đề cá chết ở nhiều địa phương phải chủ động khắc phục”.

Năm 2017, đẩy mạnh trao quyền tự chủ, xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập, kể cả cổ phần hóa những đơn vị đủ điều kiện. “Chúng ta không ép, không vội vàng, cổ phần hóa một cách bừa bãi. Xã hội hóa xong phải phục vụ người dân tốt hơn, không phải chạy theo tiền không lo phục vụ đúng chức năng nhiệm vụ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Năm 2017-2021, yêu cầu đầu tư rất lớn, nhưng khả năng chỉ có mức độ, do đó các bộ, ngành, địa phương đều xếp thứ tự ưu tiên các công trình đầu tư của quốc gia cũng như địa phương.

Tài sản công là nguồn lực lớn, nhưng chưa kiểm soát hiệu quả, nên phải được thống kê, phân loại, định giá thị trường đối với tài sản có khả năng sinh lợi để quản lý hiệu quả hơn, nhất là với các thành phố lớn.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu hướng dẫn các thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, kiểm kê đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản công hiện nay, đề xuất mô hình quản lý công theo hướng thị trường, tránh hành chính hóa hoặc bao cấp. Bộ Tài chính cần mời chuyên gia độc lập để đánh giá tài sản để đề xuất hình thức. 

Năm 2017 một vấn đề lớn là tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu. “Đối với nợ xấu thì nhiều chuyên gia báo cáo rằng, nếu không dùng tiền tươi thóc thật, không dùng ngân sách thì không giải quyết được cơ bản vấn đề nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước nên sớm đề xuất vấn đề này”, Thủ tướng nói và giao Ngân hàng Nhà nước sớm trình đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, xử lý dứt điểm nợ xấu.

Yêu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có hội nghị toàn quốc vấn đề này. Việc thoái vốn ngoài ngành là yêu cầu đặt ra, nhưng yêu cầu đặt ra lớn hơn, nhất là đối với một Chính phủ kiến tạo liêm chính, là công khai, minh bạch, không để lợi ích nhóm thao túng, mang về lợi ích tối đa cho Nhà nước.

Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành khẩn liên quan trương hoàn thành danh sách các doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hóa, thoái vốn tiếp theo, với lộ trình, trách nhiệm rõ ràng.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải chuẩn bị, bảo đảm nguồn điện, không được để thiếu điện, nhất là khu vực phía nam. Nâng cao năng lực hội nhập.

Bộ Ngoại giao sớm có kế hoạch tổ chức Hội nghị APEC 2017, bảo đảm thành công.

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ