(Tổ Quốc) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.
Thông báo kết luận nêu rõ, trong những tháng đầu năm 2016, mặc dù trong điều kiện khó khăn chung và hạn hán kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân, nhưng kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận vẫn duy trì ổn định, một số chỉ tiêu đạt khá và tăng so với cùng kỳ năm 2015. Tổng sản phẩm nội tỉnh tăng 5%; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 84,4%; thu ngân sách nhà nước (nội địa) tăng 4%; các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; công tác chăm lo cho các hộ nghèo, các đối tượng chính sách và nhân dân vùng hạn hán được thực hiện tốt hơn; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm trên cả 3 tiêu chí.
Ninh Thuận là tỉnh nằm ở vùng tâm hạn của cả nước, trong tái cơ cấu nông nghiệp, cần biến những cái bất lợi thành lợi thế như; phát triển năng lượng như gió, nắng... tìm ra mô hình phát triển kinh tế thay cho những loại cây, con phụ thuộc nhiều vào nguồn nước |
Tuy nhiên, Ninh Thuận vẫn là tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với kế hoạch đề ra (cả năm tăng 11%); tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản giảm 3,4%; thu nhập bình quân đầu người thấp (đạt 28,8 triệu đồng so với cả nước trên 42 triệu đồng/năm).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Ninh Thuận tập trung chống hạn và chủ động phòng, chống lũ lụt; đẩy mạnh các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới và chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Đồng thời thu hút doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế và sức cạnh tranh cao của Tỉnh như nho, măng tây, táo, dê, cừu, tôm giống…
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận phát huy lợi thế, phát triển du lịch, dịch vụ. Tỉnh có chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, tập trung phát triển hạ tầng du lịch, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, phù hợp với các đối tượng, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá.
Chính phủ