(Tổ Quốc) - Tỉnh Thái Bình quyết tâm bứt phá cả về lượng và chất, trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt, tỉnh giàu mạnh của đồng bằng Bắc Bộ cũng như của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Bình tiếp tục tăng 10,53%; giá trị sản xuất tăng 12,25%, tăng cao nhất từ năm 2011 đến nay; xuất khẩu tăng 10,2%; thu ngân sách tăng cao, vượt 28% so với dự toán được giao (gấp gần 2 lần so với năm cuối nhiệm kỳ trước). Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng lên. Nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả kinh tế cao theo hướng nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện tại Thái Bình; là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ xã nông thôn mới đạt gần 90% (toàn tỉnh có 237/264 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới).
Nhiều chính sách an sinh xã hội đi trước nhiều địa phương và thực hiện ở mức cao. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, 100% thủ tục hành chính được thực hiện tại các trung tâm Hành chính công 2 cấp (cấp tỉnh và cấp huyện), đã cắt giảm được 50% thời gian giải quyết các thủ tục so với quy định hiện hành. Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp hạng 09/63 tỉnh (tăng 4 bậc) thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt chỉ số cao nhất...
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Thái Bình vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: Tăng trưởng kinh tế tuy đạt mức hai con số nhưng đang chững lại; dịch vụ du lịch còn hạn chế; thu hút đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Một số chỉ số hành chính xếp thứ hạng thấp so với cả nước...
Để khắc phục những hạn chế trên, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình cần phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế vị trí địa lý, truyền thống văn hóa, lịch sử và con người Thái Bình; tận dụng thời cơ "Thiên thời, địa lợi, nhân hoà" đã đến với Thái Bình; đồng thời phát huy kết quả đạt được và kinh nghiệm phát triển trong thời gian qua, phấn đấu đạt và hoàn thành vượt mức các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra cho nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên tinh thần đổi mới tư duy phát triển, bứt phá cả về lượng và chất, trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt, tỉnh giàu mạnh của đồng bằng Bắc Bộ cũng như của cả nước.
Đồng thời, phát triển các loại hình công nghiệp nhằm phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao của Thái Bình, trong đó có công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử giá trị gia tăng cao; chủ động nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp trên địa bàn (ưu tiên công nghiệp sạch, ít nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thu hút và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động); đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, huy động mọi nguồn lực đầu tư để triển khai và hoàn thiện những công trình hạ tầng, dự án lớn mang tính động lực đối với sự phát triển của Thái Bình như tuyến đường bộ ven biển, khu kinh tế ven biển, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp, bệnh viện đa khoa...
Tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp thông minh hiện đại, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (như công nghệ cảm biến, robot tự động hóa, máy bay không người lái, điện toán đám mây, công nghệ in 3D…); định hướng xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất, bền vững gắn với đô thị văn minh; hoàn thành công tác xây dựng nông thôn mới trong năm 2019; nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế sáng tạo, hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường; phát triển mạnh hậu cần nghề cá, hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ đúng pháp luật.
Thành phố Thái Bình
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp
Thủ tướng lưu ý đặc biệt chú trọng đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến; tăng cường liên kết trong sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư và phát huy hiệu quả cơ giới hóa trong nông nghiệp, tạo bước đột phá góp phần giải phóng sức lao động, giảm bớt khó khăn, nặng nhọc cho nông dân; tăng năng suất cây trồng và nâng cao chất lượng sản phẩm; giảm giá thành sản phẩm và chi phí nhân công, cạnh tranh với hàng hóa tiêu dùng trong nước và hàng hóa nhập khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Phát triển kinh tế gắn liền với việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, môi trường sinh thái bền vững; tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong sản xuất, kinh doanh; chủ động thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, nhất là việc xử lý rác thải, nước thải từ các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống, không để tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân.
Tỉnh kiểu mẫu không xả rác thải nhựa ra biển
UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thí điểm để trở thành tỉnh kiểu mẫu không xả rác thải nhựa ra biển. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, nhân rộng hoạt động này trong cả nước; đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, bán lẻ hàng hóa; khai thác tiềm năng, thế mạnh các loại hình du lịch và các lễ hội văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc (du lịch lễ hội, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch biển), đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh; hình thành sản phẩm du lịch đặc thù mang đậm bản sắc Thái Bình, gắn du lịch với đặc sản và ẩm thực độc đáo của địa phương; nâng cao chất lượng du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và mang tính bền vững; tăng cường công tác truyền thông quảng bá du lịch, liên kết hợp tác với các trung tâm du lịch lớn trong nước và quốc tế; phấn đấu đến năm 2020 thu hút từ 1,5 - 2 triệu khách du lịch.
Tiếp tục đầu tư nguồn lực tương xứng cho giáo dục - đào tạo, văn hóa, y tế, khoa học công nghệ; xây dựng các cơ chế đột phá, thay đổi mạnh mẽ chính sách sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ thu hút nhân tài trong nước mà nhiều hiền tài trên thế giới đến Thái Bình hội tụ, sinh sống và làm việc; đồng thời thông qua các cơ sở nghiên cứu đào tạo, trường Đại học uy tín trên địa bàn tỉnh, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực tốt, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương khác.
Quan tâm thực hiện tốt an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, các hộ nghèo; củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông, phòng chống cháy nổ, không để xảy ra điểm nóng, tạo môi trường sống an bình, văn minh, thân thiện.
Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển bền vững của Tỉnh. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 Thái Bình tăng gấp 1,5 lần số doanh nghiệp hiện có.
Đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên đối thoại với người dân và doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, nhất là ở cấp cơ sở; nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019.