(Tổ Quốc) - “Phải tìm cho ra được nguyên nhân chủ quan là chính chứ không phải đổ cho khách quan là chính, để chúng ta có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân về sử dụng vốn đầu tư Nhà nước trong sự phát triển ngành, địa phương của mình”, Thủ tướng nói.
Sáng nay (16/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%.
Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, trách nhiệm Chính phủ, các địa phương trong cả nước rất lớn, nhất là chúng ta phải tập trung giải ngân đầu tư công gần 28 tỷ USD, tương đương với 633.000 tỷ đồng.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị cuộc họp hôm nay tập trung vào một số nội dung chính. Thứ nhất, tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm chạp, ì ạch, kém cỏi của giải ngân vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA.
“Phải tìm cho ra được nguyên nhân chủ quan là chính chứ không phải đổ cho khách quan là chính, để chúng ta có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân về sử dụng vốn đầu tư Nhà nước trong sự phát triển ngành, địa phương của mình”, Thủ tướng nói.
Ông cũng đồng thời nêu vấn đề: “Tại sao những địa phương cùng cơ chế chính sách ấy mà họ đầu tư giải ngân rất tốt, còn nhiều địa phương rất ì ạch”.
Thậm chí, “anh đi tìm nguồn lực nơi này nơi khác nhưng mà để lại một đống tiền ngay trên địa bàn của anh, anh không chịu giải quyết. Tại sao? Anh cứ đổ nguyên nhân khách quan này khách quan khác”.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, hội nghị sẽ tập trung thảo luận, “đưa ra những chế tài nào đối với người đứng đầu để nâng cao trách nhiệm” trong vấn đề chậm giải ngân.
Vì vậy, lần này sẽ đưa ra chế tài cần thiết, ngoài biện pháp mà Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ là điều chuyển vốn đầu tư công của Nhà nước từ địa phương này qua địa phương khác, từ ngành này qua ngành khác, từ công trình này qua công trình khác, thì có chế tài khác về thi đua khen thưởng, xử lý vấn đề đặt ra, đánh giá cán bộ…
Thủ tướng cũng đề nghị Hội nghị nêu ra các vướng mắc về thể chế pháp luật, “điều nào, điểm nào, nghị định nào, mâu thuẫn giữa luật, nghị định nào để Trung ương giải quyết”. Hội nghị phải giải quyết cho được “3 cái đọng”, gồm: vốn đọng, nợ đọng và thủ tục đọng.
“Không để tình trạng biết rồi nói mãi, cứ để năm này sang năm khác như thế”, Thủ tướng chỉ rõ. Sau hội nghị phải có hành động.
Thủ tướng đề nghị thảo luận về việc phải chăng cần có nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy để phân công đôn đốc hay không, chứ cứ nói chung chung còn việc cụ thể thì chậm trễ.
Trong giải ngân thì giải ngân vốn ODA là chậm nhất
Năm nay, chúng ta phải giải ngân khoảng 28 tỷ USD, tương đương trên 630.000 tỷ đồng. Trong đó, địa phương chiếm gần 80%, còn lại là các bộ, ngành. Qua các ý kiến tại hội nghị cũng như kiểm tra nắm tình hình, Thủ tướng cho rằng, công tác chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư còn yếu kém, còn nhiều bất cập, trong đó số vốn còn lại chưa giao chi tiết cho các dự án là hơn 27.000 tỷ đồng, chiếm gần 6% kế hoạch. Trong giải ngân thì giải ngân vốn ODA là chậm nhất.
Giải ngân năm nay tốt hơn mấy năm trước, tăng 9% so với cùng kỳ, nhưng tình trạng trì trệ vẫn xảy ra. Có nhiều địa phương làm tốt, năng động, quyết liệt, cụ thể, nhưng còn một số bộ, ngành, địa phương trì trệ, chưa biết làm việc, không quyết tâm, không chỉ đạo hệ thống vào cuộc, tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai các dự án.
Thủ tướng lấy ví dụ về Tiền Giang, tỉnh cam kết thông xe đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vào cuối năm nay. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đối thoại với hàng trăm hộ dân trong diện phải giải tỏa, di dời. Một công trình trì trệ trong 5-7 năm trước thì bây giờ, trong vòng 1 năm đã làm được.
“Các đồng chí phải sờ gáy những người làm trực tiếp thì người ta mới lo làm việc, chứ chỉ nói chung chung thì khó có thể nêu cao tinh thần trách nhiệm. Động viên là cần thiết, nhưng phải quy trách nhiệm rõ ràng người đứng đầu, cán bộ trực tiếp thì mới hy vọng có sự chuyển biến tình hình”, Thủ tướng nhắc nhở.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị trong cả nước và từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI; học tập, trao đổi kinh nghiệm, quyết tâm khắc phục những tồn tại, khuyết điểm để làm tốt hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các bộ trưởng phải có một chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội ở ngành và địa phương mình. Chương trình ấy viết ngắn gọn với hành động mạnh mẽ và gửi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ còn 25-26 tuần là hết năm, do đó, Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo 2 tuần một lần về giải ngân và kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Quốc hội, Chính phủ đã mở ra một cơ chế cho các địa phương, các ngành thì “các đồng chí phải lo việc tiêu tiền trên mảnh đất của mình, trên lĩnh vực, ngành mình quản lý”.
Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền sang nơi có thể giải ngân được, nhất là nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách, kể cả vốn ODA. Từ đầu tháng 8 tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý. Trước hết phải xử lý các ách tắc trong từng địa phương, từng ngành và từ đó đưa ra những biện pháp cần thiết. Từng bộ, từng ngành phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tỉnh; tỉnh kiểm tra, đôn đốc huyện, xã. Trung ương kiểm tra một số bộ, ngành trọng điểm.